(TBTCO) - Mặc dù bức tranh về tỷ lệ bồi thường của các DN bảo hiểm phi nhân thọ 2013 không mấy sáng sủa, nhưng trước những nhận định về sự khởi sắc trở lại của thị trường 2014 và để đảm bảo vốn tham gia bảo hiểm các dự án lớn, nhiều DN đã khẩn trương lên kế hoạch tăng vốn để trình đại hội cổ đông.
Bồi thường tăng do thời tiết thất thường
Báo cáo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ năm 2013 cho thấy, doanh thu không tăng cao trong khi tỷ lệ bồi thường tăng khiến lợi nhuận của nhiều DNBH phi nhân thọ sụt giảm.
Tỷ lệ bồi thường gia tăng do thời tiết thay đổi thất thường (bão, lũ lụt, giá rét, sương muối...), cháy nổ hỏa hoạn, tai nạn tăng cao... gây thiệt hại lớn cho các DNBH. Năm 2013 có 16 cơn bão liên tiếp đổ vào Việt Nam, bên cạnh đó dịch bệnh đối với tôm bùng phát trên diện rộng khiến nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc lên đến 295% (tỷ lệ bồi thường năm 2012 là 38%).
Tỷ lệ bồi thường gia tăng do thời tiết thay đổi thất thường. Ảnh : V.T
Năm 2013, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của toàn thị trường phi nhân thọ là 10.719 tỷ đồng (chưa tính dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 44%, cao hơn tỷ lệ bồi thường gốc năm 2012 (39%).
Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ bồi thường cao ngoài nguyên nhân từ tổn thất thực tế còn do nguyên nhân bất khả kháng là bão lũ tăng và trục lợi bảo hiểm chưa có dấu hiệu giảm.
Trong báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2013 và một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 tại đại hội cổ đông ngày 11/4 của Công ty Cổ phần Bảo hiểm BIDV( BIC) cho thấy, tổng chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của riêng BIC năm 2013 ở mức 208,23 tỷ đồng, trong đó, thực chi 179,26 tỷ đồng, trích lập dự phòng bồi thường 28,98 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của các cơn bão lớn trong năm 2013 và vụ tổn thất máy bay của LaoAir đã đẩy tỷ lệ bồi thường của DN lên 39,4%.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Bảo Minh, năm 2013 cho thấy, bão, lũ lụt, dịch bệnh liên tiếp xảy ra cộng với tình trạng cháy nổ và tai nạn giao thông chưa được cải thiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Tổng doanh thu của Bảo Minh đạt 2.785 tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so với năm 2012, trong khi đó giá trị bồi thường bao gồm cả bảo hiểm nông nghiệp là 1.344 tỷ đồng, bằng 58,2% doanh thu.
Nở rộ nhu cầu tăng vốn
Mặc dù bức tranh về tỷ lệ bồi thường của các DN bảo hiểm phi nhân thọ 2013 không mấy sáng sủa nhưng trước những nhận định về sự khởi sắc trở lại của thị trường 2014, các DNBH đã và đang hoàn tất báo cáo để trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2014 và phương án tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo vốn tham gia bảo hiểm các dự án lớn, xếp hạng từ các tổ chức tín dụng quốc tế ...
Điển hình tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 11/4, BIC đã lấy biểu quyết của cổ đông và đã được đại hội nhất trí thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng, Lý giải về điều này, lãnh đạo BIC cho biết, hiện công ty đang cần vốn để duy trì mức định hạng tín nhiệm và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
“Ngoài ra, trong kế hoạch năm 2014, BIC sẽ thực hiện góp vốn 50 tỷ đồng vào công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife và thanh toán 82,7 tỷ đồng mua lại 55% vốn tại Liên doanh Bảo hiểm Campuchia (CVI), vì vậy tăng vốn là cần thiết”, lãnh đạo BIC nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, DN này có nhu cầu tăng vốn do mức vốn hiện tại còn khiêm tốn. Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 16/4 tới, PTI sẽ trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2014, phương án tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT PTI, do Bảo Minh - cổ đông đang nắm giữ 8,82% vốn điều lệ của PTI vừa có thông báo về việc thay đổi người đại diện vốn góp của Bảo Minh tại PTI.
Tiếp đến tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 23/4, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) sẽ xin ý kiến cổ đông về kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 710 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2019, để nâng cao năng lực tài chính, hoàn thành việc đánh giá tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dự kiến đến năm 2019, PJICO sẽ đạt doanh thu bảo hiểm gốc 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm từ 10 - 12%/vốn chủ sở hữu, chi trả cổ tức từ 10 - 12%/vốn điều lệ; duy trì cơ cấu kinh doanh cân đối giữa các nghiệp vụ bảo hiểm bán lẻ, như bảo hiểm xe cơ giới, con người với các nghiệp vụ bảo hiểm khác đòi hỏi dịch vụ kỹ thuật và khả năng hỗ trợ cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo hiểm, mặc dù việc tăng vốn là nhu cầu cần thiết nhưng cũng đang đặt ra cho các DN nhiều áp lực, làm thế nào để sử dụng có hiệu quả vốn tăng thêm nhằm gia tăng doanh thu đi đôi với tăng thêm lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn./.