Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, khi đánh giá về thực trạng vấn đề mua bán, sáp nhập của hệ thống ngân hàng hiện nay.
*Làn sóng sáp nhập ngân hàng đang diễn ra sôi động, nổi bât là một số ngân hàng quốc doanh có tham gia tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ. Theo ông việc này có đe dọa đến “sức khỏe” của các ngân hàng lớn hay không?
- Chúng tôi đã lo ngại về vấn đề này ngay từ đầu, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Bởi lẽ, xảy ra khủng khoảng làm cho sức mạnh của khu vực nhà nước tăng lên rất nhanh do được sự bảo vệ của Chính phủ, Nhà nước với một nguồn lực lớn, đặc biệt là hệ thống ngân hàng.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra theo hướng chuyển dịch các ngân hàng nhỏ vào với các ngân hàng lớn. Thực chất, điều này không ảnh hưởng gì nhiều đến các ngân hàng lớn vì hệ thống ngân hàng lớn được “bảo vệ” một cách rất chặt chẽ. Nhưng, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống ngân hàng - tài chính nói chung. Bởi vì, làm như thế sẽ có sự tập trung nhiều hơn vào một số ít các ngân hàng rất lớn của khu vực nhà nước, làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống trong tương lai.
Chúng ta hy vọng và mong muốn tất cả những sự việc đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng chỉ là tạm thời để giải quyết những vấn đề như sở hữu chéo, nợ xấu…Tuy nhiên, sau này, nó phải được trả lại cho thị trường.
Ông Nguyễn Đức Thành
Thị trường tài chính ngân hàng là thị trường đặc thù, đặc biệt, đòi hỏi có những tổ chức tài chính lớn, như hiện nay có gần 40 ngân hàng lớn đáp ứng được điều này. Nhưng đồng thời, điều này làm cho khả năng kiểm soát họ ngày càng khó.
Đương nhiên, họ lớn như vậy thì sẽ có ảnh hưởng đến chính sách, ảnh hưởng đến ngân hàng nhà nước – cơ quan quản lý họ, kết quả là sẽ gây ra sự thao túng và những rủi ro trong tương lai.
*Ngoài việc sáp nhập một số ngân hàng nhỏ vào ngân hàng quốc doanh thì trên thị trường cũng có việc sáp nhập để quy về một mối, dọn dần sở hữu chéo, ví dụ như Ngân hàng Phương Nam và Sacombank. Theo ông, việc sáp nhập này có giảm tỉ lệ sở hữu chéo không?
- Với một số ngân hàng nhỏ (như Phương Nam) thì không quan trọng lắm, vì họ rất dễ bị thao túng nên tôi cho rằng, việc sáp nhập lại như thế vẫn có tính hợp lý trong bối cảnh tạm thời.
Ở đây cần phải nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta hy vọng và mong muốn tất cả những sự việc đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng chỉ là tạm thời để giải quyết những vấn đề như sở hữu chéo, nợ xấu…Tuy nhiên sau này, nó phải được trả lại cho thị trường.
Tức là, trong trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc cơ quan của NHNN có thể “ôm” một số ngân hàng nhưng lịch sử đã cho thấy, tình trạng đó không thể giữ lâu được vì khi đã giải quyết sạch sẽ một số vấn đề thì phải buông trả ngân hàng đó ra thị trường để nó tự xoay xở, tự giải quyết những việc riêng của mình.
*Thủ tướng đã cho phép NHNN có thể mua lại các ngân hàng yếu. Nhưng đến hiện nay, NHNN vẫn chưa thực hiện mua một ngân hàng nào. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Tôi cho rằng có thể NHNN không trực tiếp làm bởi vì làm điều này khá phức tạp. Ngân hàng quốc doanh cũng coi như là "cánh tay" nối dài của NHNN, với nguồn lực và nghiệp vụ của mình, các ngân hàng quốc doanh có thể làm thay NHNN.
Chính vì thế, tôi muốn nói rằng, việc để ngân hàng quốc doanh thâu tóm các ngân hàng kia chỉ nên là tạm thời để tái cơ cấu ngân hàng đó, sau đó lại thả họ ra để đa dạng hóa các thành phần sở hữu trong hệ thống ngân hàng.
* Hiện lại có mô hình rất mới, tức là không sáp nhập vào thành một ngân hàng tổng thể mà là “ngân hàng trong ngân hàng” (ví dụ như PGBank và Vietinbank). Ông đánh giá như nào về việc này?
- Không vấn đề gì, đây có thể là mô hình tạm thời, giống như việc một con trăn ăn con hươu, tức là đầu tiên phải để nguyên hình hài trước khi có sự “tiêu hóa” thực sự.
Bên cạnh đó, trong quá trình khớp với nhau, giống như đem cấy cái gì đó vào một cơ thể mới thì phải có giải pháp để “cùng chung sống”, để hỗ trợ lẫn nhau. Và sau khi tái cơ cấu xong, một là tách ra, hai là có thể có sự hấp thụ trọn vẹn, thứ ba có thể theo mô hình tập đoàn tài chính, bởi vì tổ hợp của Vietinbank rất lớn nên nó có thể có bộ phận chuyên môn hóa vào một mảng nào đó (ví dụ như mảng tài trợ cho các DN có thu nhập từ xăng dầu, dầu khí…), thì đó là việc của họ tự quyết định với nhau.
* Xin cảm ơn ông!