Tỷ giá USD/VND vừa có đợt biến động đáng chú ý nhất kể từ đầu năm 2014. Mức tăng tới 70 VND chỉ trong vài ngày là đáng kể, gắn với mức cao nhất 21.190 VND trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại và vượt trên 21.300 VND trên thị trường tự do.
Giật mình với biến động
Thực ra, giới đầu tư người ta không quan tâm nhiều đến những cụm từ đo đếm cảm tính kiểu “tăng mạnh”, “đột biến”… Họ thực tế hơn, cẩn trọng hơn với các tỷ lệ phần trăm. Đợt biến động vừa diễn ra, tỷ giá USD/VND chỉ tăng có 0,33%, còn xa so với mức trần cho phép 21.246 VND. Diễn biến chỉ đáng để quan ngại khi các ngân hàng đồng loạt nâng giá mua vào san bằng giá bán ra, cùng kịch trần biên độ cho phép; còn nay, chênh lệch vẫn duy trì quen thuộc 60-70 VND.
Nhưng diễn biến của tỷ giá USD/VND từ trung tuần tháng 5 đến nay là đáng chú ý. Bởi đã gần nửa năm qua thị trường đã quá quen với trạng thái quá ổn định và gần như không thay đổi của tỷ giá trên biểu niêm yết. Thị trường giật mình khi có một bước tăng 70 VND, phá vỡ “sự im lặng” kéo dài đó. Và bao giờ cũng vậy, câu hỏi quyết định các ứng xử luôn đặt ra ở các đợt biến động là: có tăng tiếp nữa hay không?
Trước hết vẫn là tìm hiểu nguyên nhân. Thị trường giật mình một lẽ cũng vì các cân đối liên quan đến tỷ giá không có gì thay đổi, về các cân đối vốn, lãi suất, lạm phát, chưa kể cam kết giữ ổn định mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm vẫn sừng sững đó. Thậm chí, các điều kiện để hạn chế tỷ giá tăng còn rõ hơn, ở thặng dư thương mại đáng kể trong những tháng đầu năm và Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng ngoại tệ; lãi suất VND có xu hướng tăng khá mạnh trên thị trường liên ngân hàng…
Cú hích chính ở đợt biến động này là tâm lý. Xuất phát từ quan ngại căng thẳng vấn đề biển Đông, sự cố đáng tiếc tại một số khu công nghiệp gắn với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Và khi thị trường giật mình với biến động tỷ giá, phản ứng thông thường là phòng thủ. Người dân có xu hướng mua ngoại tệ để phòng thân; nguồn cung ngoại tệ thương mại từ dân cư và doanh nghiệp khựng lại để nghe ngóng xu hướng thay vì đều đặn bán ra trong bối cảnh bình thường; các giao dịch kỳ hạn, chuyển đổi vốn qua các sản phẩm đặc thù trong ngân hàng cũng lập tức tính đến giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá… Tất cả cộng hưởng và phản ánh vào áp lực đối với tỷ giá.
Như câu hỏi trên, vấn đề là nó có tăng tiếp nữa hay không?
NHNN đang có với vấn đề tỷ giá?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp đưa ra thông tin trấn an thị trường và tái khẳng định cam kết giữ ổn định, tỷ giá khựng lại. Giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đầu tuần này ổn định ở 21.160 - 21.170 VND.
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố tỷ giá năm nay sẽ biến động không quá 1%, hẳn sẽ bằng mọi cách để giữ vững cam kết gắn với “sinh mạng chính trị” mà ông từng nói.
|
Bước đầu, niềm tin vào chính sách điều hành, vào khả năng giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được neo lại. Điều này gợi nhớ tới lần thử thách đầu tiên, cuối 2011 đầu 2012.
Cuối 2011, lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ giữ biến động tỷ giá USD/VND không quá 1%. Đầu 2012, cam kết tiếp tục được đưa ra với khoảng 2-3% cho cả năm. Nhưng thời điểm đó, niềm tin đối với cam kết còn mới mẻ, vẫn còn hiện tượng găm giữ ngoại tệ và không bán ra, để rồi sau đó tỷ giá liên tục giảm mạnh và có tình huống thiệt hại.
Ngày 20/7/2012, trước phản ánh của doanh nghiệp về thiệt hại trên tại hội nghị sơ kết ngành, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng: “Tại sao không nghe Thống đốc? Tôi lấy sinh mạng chính trị của mình để nói, thế sao không tin? Hãy tin và nghe Thống đốc, làm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Bao giờ cũng nói trước khi làm, làm đúng như nói…”.
Lần này, một lần nữa “sinh mạng chính trị” của Thống đốc Bình bị thử thách. Có khác biệt lớn. Những thử thách trước đây đến từ các yếu tố nội tại của thị trường, đặc biệt là từ áp lực dư thừa vốn tiền đồng bởi tắc tín dụng, có hiện tượng ngân hàng nhàn vốn và bí bách “làm liều” với tỷ giá… Còn đợt biến động vừa qua đến từ quan ngại về môi trường kinh doanh, gắn với căng thẳng trên biển Đông.
Người dân và doanh nghiệp quan ngại, nên có phản ứng phòng thủ, tìm đến ngoại tệ hoặc găm giữ ngoại tệ như một cách bảo đảm tài sản. Thị trường vàng biến động mạnh với bước tăng hiếm có khoảng 2 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng chục ngày, càng làm sâu sắc hơn quan ngại đối với tỷ giá USD/VND. Nhưng đợt biến động này cũng có khác biệt lớn, xét về năng lực xử lý của Ngân hàng Nhà nước.
Đó là các cân đối lợi ích nắm giữ vẫn đang ủng hộ cho giá trị VND. Thặng dư thương mại khá lớn giúp tạo nguồn ngoại tệ thuận lợi, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng suốt thời gian qua. Cũng chính hoạt động mua ròng liên tục đã giúp nhà điều hành củng cố thêm năng lực và nguồn lực của mình cho yêu cầu bình ổn.
Trước đây, dự trữ ngoại hối chỉ trên dưới 10 tỷ USD, tỷ giá USD/VND biến động 9-10% và trong bối cảnh khó khăn hơn mà vẫn bình ổn được, thì nay dự trữ ngoại hối trên 35 tỷ USD và biến động còn chưa tới 0,5% hẳn là không quá thử thách.
Và hơn hết, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố tỷ giá năm nay sẽ biến động không quá 1%, hẳn sẽ bằng mọi cách để giữ vững cam kết gắn với “sinh mạng chính trị” mà ông từng nói.
Dĩ nhiên, thị trường vẫn thường có những yếu tố bất ngờ, như vấn đề biển Đông xảy ra đối với tỷ giá vừa qua. Khi quyết tâm giữ vững cam kết, càng có yếu tố bất ngờ thì chi phí để giữ ổn định sẽ càng lớn. Nhưng hơn hết vẫn là giá trị của niềm tin, đến lúc này Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có với vấn đề tỷ giá./.