Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng đó, ông Phạm Trường Thọ cho rằng, từ nhiều năm nay, do không có tài sản thế chấp nên ngư dân không tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Vì vậy, họ phải cắn răng vay tiền của tư nhân với lãi suất khá cao.
Từ khoản tiền lớn đầu tư để đóng tàu (có thể lên tới vài tỉ đồng) cho tới khoản nhỏ hơn, vay trước mỗi chuyến đi biển, ngư dân đều phải tìm đến các “đầu nậu” hỏi vay. Đi vay như vậy, họ phải chịu lãi với suất “cắt cổ”, nhưng vì nếu không vay được tiền thì không có cơ hội được đi biển kiếm sống, nên mọi người đành chịu.
Ngoài ra, ngư dân còn bị “đầu nậu” khống chế bằng cách buộc họ sau mỗi chuyến đi biển quay trở về, phải bán lại với giá “bèo” (so với giá thị trường) toàn bộ hải sản đánh bắt được cho những chủ nợ.
Anh Huỳnh Văn Lắm, thuyền trưởng tàu QNg-96011 TS tâm sự rằng, để có thể bám biển trong thời gian 1 – 2 tháng, mỗi con tàu có 15 người phải vay mượn khoảng 200 triệu đồng. Phải có số tiền chừng đó, họ mới đủ chi phí xăng dầu, đá ướp lạnh, thức ăn, thuốc men dự phòng… cho cả đoàn.
Trên thực tế, hiện nay thu nhập bình quân của ngư dân chỉ đạt khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng, nên họ không có khoản tích lũy để tái đầu tư cho những chuyến đi biển. Vì thế, ngoài những khoản chi lớn như đầu tư đóng tàu, thuê tàu, ngư dân còn phải vay tiền đầu tư vào những chuyến đi biển và do phải gánh quá nhiều khoản như vậy, ngư dân khó lòng thay đổi được cuộc sống vốn đã thường xuyên nhiều sóng gió của họ.
 |
Ngư dân sẽ yên tâm đưa tàu ra biển nếu được hỗ trợ kịp thời về vốn |
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp Saigon Co.op, ông Phạm Trường Thọ đã đề nghị với Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa quan tâm hơn đến vấn đề hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho ngư dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục khai thác thủy sản tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Saigon Co.op tiến hành các cuộc khảo sát để triển khai xây dựng hệ thống nhà kho, bến bãi… Tương lai, hai bên sẽ cho ra đời một doanh nghiệp nhằm hỗ trợ ngư dân.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, trước mắt tỉnh và các doanh nghiệp cần khẩn trương vào cuộc, có cơ chế hỗ trợ ngư dân kịp thời để họ nhanh chóng thoát ra khỏi “vòng kim cô” của các “đầu nậu” đang ra sức dùng tiền vốn để bóc lột những ngư dân đang ngày đêm nỗ lực bám biển đánh bắt hải sản và tham gia giữ gìn biển đảo quốc gia.
Đặc biệt, mới đây Quốc hội đã duyệt phương án hỗ trợ Cảnh sát biển và ngư dân 16.000 tỉ đồng sẽ thực sự là một bước chuyển mới, giúp những người đang khốn khó về vốn có đủ điều kiện tốt hơn để gắn bó với ngư trường./.