* Ông đánh giá thế nào về động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày hôm nay?
- Tỷ giá trên thị trường những ngày gần đây đã liên tục áp sát trần. Một khi trần bị đụng liên tục thì sẽ vỡ trận, vì vậy phải có chính sách điều chỉnh. Theo tôi, điều chỉnh liều lượng 1% là cần thiết. Nhưng NHNN phải bám sát thị trường và phải can thiệp bằng mọi giá, không để có kỳ vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh nữa, phải giữ tỷ giá ổn định trong khung mà chúng ta quy định.
Điều thứ hai là sự điều chỉnh cần phải linh hoạt hơn, không phải chỉ điều chỉnh tăng mà cũng có khi phải điều chỉnh giảm, có như vậy mới tránh được đầu cơ. Ví dụ như giá xăng có khi điều chỉnh lên, cũng có khi điều chỉnh xuống. Đã gọi là giá cả thì phải theo cung cầu, phải điều hành linh hoạt theo thị trường.
Ngoài ra tỷ giá còn phục vụ cho mục tiêu điều hành hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, xuất khẩu đang có những khó khăn nhất định, do vậy việc chúng ta điều chỉnh tỷ giá nhằm mục tiêu quan trọng hơn, đó là hỗ trợ xuất khẩu, nhất là nông sản. Tuy nhiên, đừng để tỷ giá này tác động ngược lại đến giá cả hàng hóa trong nước, tác động đến giá cả của mặt hàng nhập khẩu. Từ đó gây đến bất ổn về giá cả. Vì vậy, NHNN phải giám sát điều này.
|
|
 |
NHNN phải bám sát thị trường và phải can thiệp bằng mọi giá, không để có kỳ vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá thêm nữa. |
 |
|
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
|
|
|
* Nếu sức ép về tỷ giá trên thị trường tiếp tục tăng, kỳ vọng 'nới' thêm vẫn còn, thì theo ông, NHNN nên có những can thiệp gì đối với thị trường ?
- Tôi cho rằng, điều thứ nhất là phải thực thi nghiêm túc Pháp lệnh quản lý ngoại hối. Phải kiểm tra và không để tồn tại hiện tượng mua bán đầu cơ ngoại tệ trái pháp luật. Thứ hai là NHNN phải can thiệp vào thị trường, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nguồn cung ngoại tệ để có thể cung cấp theo yêu cầu chính đáng của người dân cũng như các tổ chức kinh tế. Không để hiện tượng có người mua mà không có người bán.
Hiện nay, cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta đang thặng dư tới hơn 10 tỷ USD, như vậy, chúng ta có thể can thiệp để điều hành tỷ giá theo ý muốn chủ quan của mình.
* Có ý kiến cho rằng việc tỷ giá tăng sát trần khiến NHNN phải điều chỉnh, là do chính các ngân hàng thương mại đang thúc đẩy giá, bắt buộc NHNN phải điều chỉnh, còn biên độ tăng lên 1% thực tế không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu?
- Đối với hoạt động kinh doanh cũng như với thị trường ngoại tệ thì 1% là rất quan trọng. Bản thân hoạt động ngân hàng thương mại là đáp ứng nhu cầu của thị trường, của người có nhu cầu chính đáng. Họ cũng chịu áp lực từ nguồn cung và họ đã can thiệp hết mức, vì vậy việc điều chỉnh tỷ giá là để rộng đường cho các ngân hàng thương mại kinh doanh.
* Như vậy là NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu của thị trường, thưa ông?
- Đúng vậy, theo tín hiệu thị trường, nhưng cũng đáp ứng mục tiêu kinh tế. Chúng ta phải đảm bảo cân đối cán cân thương mại, đồng thời xuất khẩu đang khó khăn thì chúng ta phải hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu để thị trường có kỳ vọng tiếp tục được điều chỉnh thêm nữa thì sẽ rất nguy hiểm. Phải xóa kỳ vọng đó và phải can thiệp.
* Xin cảm ơn ông!