Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông cáo báo chí về việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng 12,03%
Đánh giá về tình hình 6 tháng đầu năm, NHNN cho biết các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành đồng bộ và linh hoạt. Mặc dù đưa một lượng lớn tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng đã kịp thời rút bớt tiền về, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến ngày 30/6/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,29% so với cuối năm 2013, phù hợp so với chỉ tiêu định hướng tăng 16-18% trong năm 2014.
Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, NHNN đã chấp thuận cho một số TCTD tăng trưởng tín dụng vượt mức, thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đạt cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%).
Mặc dù tăng thấp nhưng NHNN cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Cùng với đó, thanh khoản VND của hệ thống tốt, có dư thừa. Tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm từ mức 92,5% cuối 2013 xuống 87,4%. Lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Trên thị trường ngoại tệ, sau điều chỉnh, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới nhưng vẫn thấp hơn so với mức trần quy định. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 35 tỷ USD. Tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm (đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012-2013).
Không chủ quan với lạm phát
Tuy nhiên, NHNN cũng chỉ ra việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang phải đối mặt với một số vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới. Đó là tín dụng tăng thấp, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khơi thông; việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các TCTD tăng dự trữ thanh khoản nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn nếu các TCTD không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý. Việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng sẽ chịu nhiều áp lực, bởi vậy không thể chủ quan với những diễn biến của lạm phát.
Đề cập đến giải pháp cho 6 tháng tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, thanh khoản của các TCTD để có các giải pháp kịp thời. Tập trung triển khai các giải pháp phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%.
Đối với thị trường ngoại hối, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần hỗ trợ xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ điều hành tỷ giá với điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, tránh gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Đối với thị trường vàng, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và kịp thời đề xuất các biện pháp can thiệp thị trường khi cần thiết.
Công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm và rủi ro. Tiếp tục triển khai tái cơ cấu các TCTD theo đề án đã được phê duyệt.
Trong cuộc họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam chiều 8/7, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng với nhiều giải pháp trong kích cầu như nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất,…
Đánh giá về hiệu quả chính sách điều hành tiền tệ, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, “bánh ngon phải đến lúc ăn mới biết”. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận thị trường tiền tệ 2 năm vừa qua ổn định hơn nhiều, lạm phát giảm. Dù vậy, thách thức hiện nay với ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng dè dặt trong cho vay. “Cảm nhận của chúng tôi là NHNN đã làm đúng việc cần làm nhưng tác động chưa lớn như mong đợi”, ông nói.
Thời gian tới, các công cụ chính sách cần thoát ly dần khỏi biện pháp điều hành hành chính, chuyển sang các công cụ có tính chất thị trường hơn. Đây là những thay đổi về thể chế mà NHNN nên xem xét thực hiện theo thời gian, ông Mahajan đề xuất.
|