Sắp phê duyệt đề án tái cơ cấu BIDV
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có các báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của ngân hàng Vietcombank, Agribank và sắp phê duyệt đề án của BIDV, MHB. Đồng thời, tiến hành thẩm định phương án cơ cấu lại của các công ty cho thuê tài chính của các NHTMNN, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể nâng cao năng lực tài chính từ nay đến năm 2015 của 5 NHTMNN.
Với nhóm 9 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, 1 phương án còn lại sẽ được trình Thủ tướng thời gian tới. Hiện nay, các ngân hàng này đang triển khai cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.
Một số NHTMCP yếu kém xác định trong năm 2013 đang được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Đến nay, đã giảm bớt 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á). NHNN đã chấp thuận chủ trương ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, NHTMCP Phát triển Mê Kông sáp nhập vào Maritime Bank và chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại ngân hàng khác.
NHNN khẳng định, hầu hết các phương án tái cơ cấu NHTMCP yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại đều hoạt động ổn định và cải thiện hơn.
Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP; trong đó đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu ngân hàng còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.
Hầu hết các ngân hàng tăng hiệu quả
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu ngân hàng, một nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự công bố tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu cho thấy, trong 7 ngân hàng sau tái cơ cấu là HDBank, Lienvietpostbank, Navibank, Pvcombank, SHB Bank, TPBank, Vietinbank, ngân hàng duy nhất bị suy giảm về hiệu quả sản xuất là Navibank do quá trình tự tái cấu trúc chưa đạt thành công rõ rệt.
Các ngân hàng còn lại đều có các chỉ số hiệu quả tăng theo thời gian. Đối với HDBank, do sáp nhập DaiABank vào cuối năm 2013 nên hiệu quả sản xuất của HDBank chưa thể hiện sự suy giảm. LienVietpostbank và SHB chứng tỏ những thành công hậu mua bán sáp nhập còn Tienphongbank cho thấy đang đi đúng hướng trong quá trình tự tái cơ cấu vừa qua. Vietinbank sau khi bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài chiến lược là Bank of Tokyo đã có những sự chuyển biến đáng kể.
Kết quả chung từ việc thực hiện mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc trong giai đoạn vừa qua cho thấy các ngân hàng có sự chuyển biến về hiệu quả lợi nhuận và hiệu quả sản xuất rất khác nhau. Vì vậy, quá trình tái cấu trúc đòi hỏi sự linh hoạt nhất định của nhà quản lý.
Xử lý thu hồi nợ xấu: Vẫn bế tắc
Bên cạnh những thành công, nghiên cứu của GS Trần Thọ Đạt cũng chỉ ra một số tồn tại cơ bản của quá trình tái cơ cấu. Quá trình cơ cấu lại, mua bán, sáp nhập của các ngân hàng bị chậm trễ và không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt về xử lý nợ xấu.
Có thể khẳng định việc cơ cấu tài chính của các TCTD thông qua xử lý thu hồi nợ xấu vẫn đang trong tình trạng bế tắc trong khi áp lực gia tăng nợ xấu đối với các TCTD ngày càng lớn. Việc xử lý sở hữu chéo trong các TCTD còn lúng túng và không đạt hiệu quả. Quá trình cơ cấu lại hoạt động và quản trị của các NHTM còn chậm, chưa đạt yêu cầu của mục tiêu.
Giai đoạn 2011-2013, đã có 5 NHTM yếu kém “biến mất”, tuy nhiên con số này so với số lượng các NHTM cũng trong tình trạng yếu kém mới chỉ chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Năm 2014, mục tiêu đặt ra của NHNN là tiếp tục sáp nhập và hợp nhất 6-7 NHTM song cho đến nay vẫn chưa chính thức có vụ sáp nhập, hợp nhất nào hoàn thành do việc tìm các đối tác là không dễ dàng cũng như có nhiều rào cản về pháp lý và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhìn lại quá trình sáp nhập và hợp nhất các TCTD trong giai đoạn 2011-2013 cho thấy vai trò của NHNN là khá mờ nhạt, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các TCTD sau sáp nhập và hợp nhất dường như chưa cho thấy những chuyển biến rõ nét. Việc chậm trễ trong M&A các TCTD yếu kém đang thách thức các mục tiêu của Đề án 254 (về cơ cấu lại các TCTD). Nếu như trong năm 2015, NHNN không có các đột phá trong M&A các TCTD thì chắc chắn các mục tiêu quan trọng của Đề án 254 là không hoàn thành, nghiên cứu của GS Trần Thọ Đạt khẳng định.