Mặc dù, từ ngày 10/10/2013, Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định hành vi chậm đóng loại tiền này sẽ bị phạt đến 75 triệu đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nợ tiền BHXH.
Theo con số thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 8/2014, khoản nợ BHXH của các doanh nghiệp đã lên đến trên 12.000 tỷ đồng và có đến trên 38.900 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, ảnh hưởng đến trên 600.000 lao động.
Các địa phương đang quyết liệt thực hiện các biện pháp đối phó với tình trạng nợ, chây ỳ đóng BHXH, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật nhằm đem lại quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh còn 519 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với số tiền là trên 120 tỷ đồng. Việc các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nợ BHXH phải nhanh chóng khắc phục dứt điểm trong quý IV năm 2014. Đồng thời giao trách nhiệm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình không chấp hành việc đóng BHXH.
Tháng 4/2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam cũng đã cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nam ký kết quy chế phối hợp về việc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.
Theo quy chế này, các đơn vị sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam hoặc hoạt động ngoài tỉnh đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Hà Nam có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong tỉnh, khi nợ, chậm đóng sẽ bị buộc trích tiền từ tài khoản để nộp tiền bảo hiểm vào quỹ do BHXH Hà Nam quản lý. Việc làm này nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chính sách, chế độ BHXH và các cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nợ bảo hiểm bảo đảm quyền lợi cho người lao động và tính nghiêm minh của pháp luật.
Cùng với tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình cũng áp dụng hình thức trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng lao động để đóng tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng; đồng thời, lập hồ sơ khởi kiện ra tòa những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH.
Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu cán bộ thu tăng cường đối chiếu, đôn đốc đơn vị sử dụng lao động; phối hợp chặt chẽ với các tổ thu nợ để đôn đốc các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế số tiền lớn, thời gian kéo dài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế; chú trọng đến tuyên truyền, đối thoại trực tiếp tại các khu công nghiệp và tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn,...