>> Công an Hà Nội triệu tập 16 đối tượng 'cốt cán' của sàn giao dịch vàng HGI
Hơn 3.000 nhà đầu tư “sập bẫy”
Như đã đưa tin, chiều ngày 13/1, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan này vừa phối hợp cùng C50 - Bộ Công an và PC 45 (công an TP Hà Nội) triệt phá một sàn giao dịch vàng tài khoản trên mạng có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật.
Phòng PC50 đã triệu tập để lấy lời khai của Phùng Quốc Huy (SN 1985, ở Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là Tổng giám đốc HGI và một số người liên quan để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép.
HGI được thành lập từ tháng 5/2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay. HGI tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, có website hgi.com.vn. Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ với Công ty và được cấp tài khoản. Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách đến trụ sở công ty nộp tiền mặt hoặc sử dụng Internet Banking để chuyển tiền vào tài khoản của HGI, số tiền được quy đổi ra điểm tương ứng.
Bên cạnh việc kinh doanh vàng tài khoản, từ tháng 5/2012, HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với số lợi nhuận cam kết với khách hàng theo các kỳ hạn ủy quyền từ 3 tháng đến 1 năm với các tỷ suất lợi nhuận từ 1,5% đến 2%/tháng.
Khi giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên sẽ được 0,3% số tiền của nhà đầu tư ủy thác, nhân viên kế toán được hưởng 2,5% số tiền đó.
Cơ quan điều tra xác định có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại công ty này. HGI đã nhận của nhà đầu tư 270 tỷ đồng và đến nay không có khả năng thanh toán.
Nguy cơ trở thành... “con nợ”
Sau khi cơ quan công an “vạch mặt” Công ty HGI vì có hành vi vi phạm pháp luật, nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay và có nguy cơ trở thành... “con nợ”.
Chị Nguyễn Thị T. (ở Hà Nội, là nhân viên văn phòng) khổ sở cho biết, hiện tại bà đang phải đi ở nhờ vì số tiền bà dành dụm để mua nhà đã gửi vào HGI.
Theo chị T., vào tháng 8/2014, chị gom góp 500 triệu đồng và gửi vào HGI. Sau khi gửi tiền vào được vài ngày, nghiên cứu lại hợp đồng thấy có nhiều rủi ro, chị L. nhiều lần đến HGI để rút tiền nhưng không được.
Sau đó chị có nhận được thông báo của Công ty mời chị ngày 12/1 đến giải quyết và ngày 12/1 cũng là ngày cơ quan công an đến khám xét tại HGI.
Không riêng gì chị T, trong chiều ngày 12/1, có hàng trăm người đến công ty HGI mong đòi lại được tiền nhưng không có ai giải quyết. Người của công ty này hẹn nhà đầu tư đến ngày 13/1 quay lại sẽ được giải quyết.
Một nạn nhân khác tên H. cho hay, từ hai năm nay, bà đã gửi 1,9 tỷ đồng vào HGI. Thời gian đầu bà được trả lãi sòng phẳng, đầy đủ, lúc nào rút tiền ra cũng được. Đến tháng 9/2014, HGI bắt đầu chậm thanh toán cho nhà đầu tư.
Bà H. ngậm ngùi, số tiền bà gửi vào HGI là tiền của cả nhà chồng, bà đang phải giấu nhà chồng chuyện đã đầu tư không đúng chỗ, đến nay không đòi lại được tiền.
Cũng chung hoàn cảnh này, ông Vũ Tiến T. (56 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, làm nghề tự do) cũng cho hay, nghe bạn bè của con ông nói là gửi tiền ở HGI được lãi cao và an toàn, trả đầy đủ, muốn rút ra lúc nào cũng được nên ông T. đã mang tiền đến HGI gửi.
Số tiền ông T. gửi vào HGI là 530 triệu đồng, trong khi vợ ông gửi 500 triệu đồng. Vợ chồng ông gửi tiền từ đầu năm 2014. Thời gian đầu được trả lãi đầy đủ, sòng phẳng. Nhưng đến tháng 9/2014, HGI bắt đầu không trả lãi.
Ông T. cho biết, ông gửi tiền vào HGI theo hợp đồng ủy thác đầu tư. Tiền gửi vào HGI, qua chuyển khoản và là tiền mà ông huy động từ bạn bè.
Có mặt tại cơ quan điều tra, nhiều người bị hại khác cũng chia sẻ, tiền mất đau xót đã đành, điều họ lo lắng là tiền đầu tư vào HGI là do họ gom góp, vay mượn của nhiều người khác và bây giờ họ đã trở thành “con nợ” không biết đến lúc nào mới trả được./.