Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt lợi nhuận tích cực
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, BIDV có kết quả lợi nhuận ấn tượng nhất. Tổng lợi nhuận thuần trước dự phòng quý 4 đạt 4.806 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ và cả năm tăng 13,7%, đạt 13.391 tỷ đồng. Trong đó, BIDV tăng trích lập dự phòng rủi ro của quý IV lên 2.946 tỷ đồng và cả năm là 8.797 tỷ đồng.
Sau dự phòng, lợi nhuận trước thuế của BIDV quý IV đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước và sau thuế tăng 55,8%. Cả năm ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 6.307 tỷ và sau thuế 4.992 tỷ đồng.
Năm 2014, Vietcombank cũng đạt kết quả kinh doanh khá tích cực, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý IV đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước và cả năm đạt 10.447 tỷ với mức tăng 12,8%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh, riêng quý IV tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ với 1.059 tỷ đồng và cả năm tăng xấp xỉ 30% lên 4.572 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận của ngân hàng giảm đáng kể. Sau thuế Vietcombank báo lãi 1.339 tỷ đồng quý IV và cả năm 4.610 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 2013.
Riêng tại Vietinbank, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý IV tăng mạnh 48,9% nhưng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro cả năm vẫn giảm 5,6%. Dự phòng rủi ro của ngân hàng quý IV là 1.409 tỷ đồng và cả năm là 3.902 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Sacombank: Dự phòng cao, nợ xấu giảm
Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Sacombank, MB tiếp tục là những ngôi sao sáng. Lợi nhuận thuần cả năm của Sacombank tăng 11,6% đạt 3.789 tỷ đồng. Tuy nhiên dự phòng rủi ro tăng mạnh đã ảnh hưởng lên lợi nhuận. Trong quý IV khoản dự phòng rủi ro tăng gấp hơn 8 lần cùng kỳ, ở 191 tỷ đồng và cả năm dự phòng cũng tăng hơn gấp đôi năm trước lên 963 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 424 tỷ đồng – giảm 43% so với cùng kỳ năm trước và cả năm là 2.826 tỷ đồng, giảm 4,6% so với kết quả của năm 2013. Nợ xấu của ngân hàng năm qua giảm nhẹ so với đầu năm, ở mức 1.522 tỷ đồng và chiếm 1,19% trên tổng dư nợ, tỷ lệ gần như thấp nhất trong các ngân hàng đã công bố.
Còn tại MB, các mảng kinh doanh đều đạt kết quả ấn tượng trong năm qua. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro quý 4 tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước lên 2.149 tỷ đồng và cả năm tăng 8,4% đạt 8.307 tỷ đồng. Cùng với đó, dự phòng rủi ro của MB tăng khá mạnh trong quý IV, mức tăng gần 70% so với quý cuối năm 2013 lên 531 tỷ đồng. Mức dự phòng rủi ro cả năm là 2.019 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước.
ACB cũng là ngân hàng đạt kết quả lợi nhuận cao, với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.215 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7%. Dự phòng rủi ro của ACB trích lập khá cao, đến 313 tỷ đồng trong quý 4 và 977 tỷ đồng trong cả năm. Với VIB, dù nợ xấu giảm và lợi nhuận trước dự phòng đạt 1.836 tỷ đồng, tăng trưởng 93%, nhưng VIB dành đến 1.188 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Do vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 648 tỷ đồng.
Eximbank: Lỗ lớn vẫn trích lập dự phòng cao
Gây bất ngờ nhất có lẽ là Eximbank. Tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Eximbank quý IV năm nay âm gần 289 tỷ đồng, cao hơn 40% so với mức lỗ của quý IV năm trước và cả năm chỉ đạt 938 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn trích lập dự phòng rủi ro rất cao. Quý IV, Eximbank trích lập đến 589 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó và dự phòng cả năm cũng gấp gần 3 lần so với năm 2013, lên 869 tỷ đồng.
Dự phòng lớn khiến cho Eximbank lỗ trước thuế quý IV tới 878 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần mức lỗ cùng kỳ 2013. Cả năm lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm 2013.
Có thể thấy, tình hình kinh doanh của các ngân hàng năm 2014 nói chung chưa có nhiều khả quan. Sang năm 2015, nhiều ngân hàng cũng dự kiến mức lợi nhuận không cao, trong bối cảnh lộ trình tái cơ cấu tiếp tục được đẩy mạnh và xử lý nợ xấu vẫn là nỗi lo lớn nhất.