Ngân hàng Ngoại thương sẽ tham gia điều hành Ngân hàng Xây dựng
Ngày 5/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi Thông cáo báo chí về việc Nhà nước mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Xây dựng Việt Nam.
NHNN cho biết, thời gian qua hoạt động của VNCB đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng, NHNN đã quyết định đặt VNCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Với tổn thất tài chính nặng nề, VNCB đã không có các giải pháp tái cơ cấu khả thi theo yêu cầu của NHNN. Vì vậy, để xử lý dứt điểm các vấn đề của VNCB, căn cứ quy định của Luật các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại VNCB.
NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB với sự tham gia quản trị, điều hành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Sau khi tiếp quản VNCB, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phương án tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam hoạt động an toàn, đúng pháp luật.
Theo NHNN, đây là biện pháp can thiệp của Nhà nước cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu giữ ổn định hệ thống các TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cũng như giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo đúng định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Ngân hàng Xây dựng có hình thức pháp lý là Công ty TNHH MTV
Cùng ngày, Thống đốc NHNN cũng ban hành Quyết định 249/QĐ-NHNN mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi VNCB thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam.
Theo Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, Thống đốc NHNN quyết định mua bắt buộc toàn bộ (100%) cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phần, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của VNCB. Đồng thời, chuyển đổi VNCB thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, với tên tiếng Việt là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam; Tên viết tắt tiếng Việt là Ngân hàng Xây dựng; Hình thức pháp lý là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; Vốn điều lệ của Ngân hàng này là 3.000 tỷ đồng.
Quyết định nêu rõ, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật; Điều chỉnh cơ cấu, tổ chức bảo đảm phù hợp với Luật các Tổ chức Tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; Đăng ký doanh nghiệp và đăng ký lại quyền sở hữu tài sản đối với Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam theo quy định của pháp luật; Thực hiện các điều chỉnh, thay đổi khác cho phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.
Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trường hợp của VNCB được mua lại với giá 0 đồng là do ngân hàng này có vốn điều lệ âm quá lớn so với vốn pháp định. Việc NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Các ngân hàng có vốn điều lệ âm quá nhiều có thể áp dụng một trong các giải pháp này.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết với trường hợp ngân hàng bị âm vốn, kể cả nhiều hay ít mà các cổ đông tiếp tục bơm vốn đủ theo quy định thì sẽ không có vấn đề gì, còn nếu không bắt buộc NHNN phải xử lý./.