Đây là nhận định của nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo “Đánh giá các quy trình nghiệp vụ của BHXH” do WB và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 24/3.
Khoảng 40% tác vụ BHXH bị lặp lại
Đây là một trong số các hạn chế mà báo cáo của WB chỉ ra khi nghiên cứu 31/115 bộ thủ tục hành chính về đăng ký, thu, cấp sổ thẻ BHXH.
Kết quả phân tích quy trình nghiệp vụ của WB cho thấy, ít nhất 55% các tác nghiệp bao gồm các quy trình nghiệp vụ dành cho đăng ký, thu phí và phát hành sổ và thẻ được tiến hành thủ công mà không có sự hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin (CNTT).
Số tác vụ được tự động hóa hoàn toàn nằm vào khoảng 12-13%, các tác vụ được hỗ trợ bởi CNTT khoảng 32-33% và có khoảng 40% tác vụ được lặp lại qua các quy trình nghiệp vụ.
Các chuyên gia của WB chỉ ra rằng, chính việc kiểm tra, kiểm soát thông tin dữ liệu ở các cấp không hiệu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dữ liệu, dẫn đến việc khách hàng và BHXH lặp đi lặp lại các quy trình chỉ để đảm bảo dữ liệu chính xác.
Với những hạn chế trên, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với BHXH trong năm 2015 giảm thời gian giao dịch xuống còn 49,5 giờ là một thử thách lớn.
Do đó, các chuyên gia của WB khuyến nghị 10 giải pháp liên quan tới các vấn đề như: Cơ chế kiểm tra, kiểm soát thông tin; tập trung hóa dữ liệu đối tượng tham gia BHXH; sử dụng mã định danh duy nhất; phối hợp với cơ quan thuế trong việc sử dụng mã đơn vị sử dụng lao động; hợp nhất một số quy trình khai BHXH; khai BHXH trực tuyến, đơn vị sử dụng lao động chỉ khai 1 lần trong tháng; tổng hợp phát sinh trong kỳ; cấp sổ thẻ...
Theo nhóm tư vấn của WB, nếu BHXH áp dụng tất cả các khuyến nghị trên thì số giờ giao dịch với BHXH của các doanh nghiệp trong 31 quy trình thủ tục sẽ chỉ còn 35 phút/ tháng so với 12 giờ/ tháng như trước đây.
Định danh mã số thuế và BHXH là một
TS. Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nhằm tiếp tục giảm thiểu thủ tục, thời gian của tổ chức và cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam hiện đang rà soát các quy trình, nghiệp vụ, triển khai giao dịch hồ sơ qua mạng internet, giao dịch điện tử trước mắt là thực hiện việc khai báo tham gia đóng BHXH, BHYT, cấp sổ, thẻ.
Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch hiện đại hóa BHXH là cung cấp các dịch vụ thông tin trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ công trực tuyến là khai BHXH điện tử.
Hiện tại BHXH đang sử dụng 2 mô hình, tuy nhiên qua quá trình rà soát quy trình nghiệp vụ BHXH, các chuyên gia của WB đề xuất mô hình thứ 3 là kê khai BHXH điện tử với cổng duy nhất (Unique Gateway). Phương thức mới này sẽ tăng trách nhiệm cho đơn vị sử dụng lao động trong kê khai BHXH, đảm bảo tính chính xác và đúng hạn số phải nộp, quá trình đóng BHXH được cập nhật tức thời, thời gian xử lý hồ sơ có thể tính bằng phút…
Trong số các giải pháp đưa ra, nhóm nghiên cứu của WB nhấn mạnh tới việc triển khai mã số định danh. BHXH và Tổng cục Thuế đã thống nhất trao đổi thông tin về đơn vị sử dụng lao động, trong đó, BHXH lưu thông tin về mã số thuế của đơn vị sử dụng lao động vào hệ thống thu SMS của BHXH khi đăng ký hồ sơ.
Do đó, các chuyên gia của WB cho rằng, nên cấp một mã số định danh duy nhất cho đơn vị sử dụng lao động/ đối tượng nộp tiền. Vì vậy, sẽ triển khai sử dụng mã số thuế hiện nay làm mã số định danh chính thức của BHXH Việt Nam cho đơn vị sử dụng lao động, đối tượng đóng BHXH và cơ quan thu BHXH. Trong thời gian ngắn hạn, có thể triển khai giao thức FTP (truyền tệp tin) tại BHXH Việt Nam làm tầng trung gian để nhận và truy xuất thông tin giữa BHXH và Tổng cục Thuế.