Đây sẽ là cơ sở pháp lý, công cụ hữu hiệu để ngăn chặn hành vi trục lợi tồn tại dai dẳng trên thị trường bảo hiểm nhiều năm qua. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh vấn đề này.
* Trục lợi bảo hiểm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung hành vi trục lợi bảo hiểm như một tội danh hình sự có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Ông đánh giá thế nào về quy định này?
- Trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến, “lây lan” nhanh và diễn ra tại tất cả các DNBH, các nghiệp vụ bảo hiểm.
|
|
 |
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Đây thực sự là “cây gậy” pháp lý hữu hiệu của ngành Bảo hiểm nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi diễn ra dai dẳng nhiều năm qua. |
 |
|
Ông Phùng Đắc Lộc
|
|
|
Mỗi năm có hàng nghìn vụ trục lợi và hậu quả là kẻ trục lợi đã ăn cắp một cách công khai số tiền bồi thường, chi trả bảo hiểm lấy từ Quỹ bảo hiểm (đóng góp từ phí bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm). Đây không phải là tiền của DNBH – đơn vị có vai trò trung gian trong huy động quỹ và phân phối quỹ bảo hiểm. Và theo thông lệ quốc tế, một số nước đã xử lý tội danh trục lợi bảo hiểm rất nặng chỉ sau tội trốn thuế.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của chúng ta chưa xử lý hành vi trục lợi, mà chỉ dừng lại ở việc, nếu phát hiện trục lợi thì thôi không trả tiền bảo hiểm. Còn nếu không phát hiện ra thì coi như khách hàng đã “kiếm lời” số tiền lớn gấp hàng trăm lần số tiền đóng phí. Cơ quan quản lý, DNBH đã nhiều lần kiến nghị để có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi này.
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tiếp thu đề xuất và Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Đây thực sự là “cây gậy” pháp lý hữu hiệu của ngành Bảo hiểm nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi diễn ra dai dẳng nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận.
* Một số ý kiến cho rằng, mức phạt tiền, thậm chí phạt tù đối với tội danh trục lợi bảo hiểm vẫn còn nhẹ, cần tăng hình phạt cao hơn. Quan điểm của ông thì sao?
- Tại một số nước, trục lợi bảo hiểm bị xử phạt bằng tiền gấp từ 5 đến 10 lần số tiền định trục lợi và cũng tùy tính chất hành vi như có tổ chức hay không có tổ chức, cố ý hay không cố ý và mức độ tinh vi để xử phạt tù.
Ví dụ, có khách hàng chỉ trong 10 năm mất xe đến 6 lần, tất cả các xe đều được mua bảo hiểm với số tiền lớn. Nghi ngờ có hành vi trục lợi bảo hiểm, cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện khách hàng cấu kết với “đối tác” để ăn cắp xe và khai báo mất xe để nhận tiền bồi thường. Với tội trục lợi bảo hiểm cố ý, mức độ tinh vi thế này, các nước xử phạt rất nặng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ bất cập hiện hành của thị trường bảo hiểm, quy định về mức phạt tiền, thậm chí phạt tù đối với tội danh trục lợi bảo hiểm được quy định trong dự thảo là hợp lý, không thể nói là nhẹ được. Bước đầu như thế là đã thành công.
Để hạn chế trục lợi bảo hiểm ngoài chế tài đủ sức răn đe vẫn cần phải xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm, quy trình nghiệp vụ chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ bị trục lợi. Bên cạnh đó là việc nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên, đại lý bảo hiểm và khách hàng…
* Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm thời gian tới nếu quy định này được thông qua?
- Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Bộ luật Hình sự sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, khởi tố, xét xử hành vi trục lợi bảo hiểm. DNBH sẽ không cần có những bộ phận chức năng để phát hiện hành vi trục lợi. DNBH sẽ không lo trục lợi gia tăng dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh toán, không chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm… Theo đó, thị trường sẽ phát triển lành mạnh, quyền lợi người tham gia bảo hiểm được đảm bảo, khách hàng ngày càng tin tưởng vào DNBH./.
Xin cảm ơn ông!