Hội đồng quản trị của ngân hàng này đưa ra giải thích là “muốn giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn hoạt động”. Nhưng cách giải thích này đã gây phản ứng đối với một bộ phận không nhỏ các cổ đông.
Cổ đông “nhịn” cổ tức
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 (ngày 18/4), một số cổ đông nhỏ lẻ bày tỏ bức xúc vì đã phải “nhịn” cổ tức từ năm 2011 đến nay. Các năm trước, Techcombank không chia cổ tức là vì lợi nhuận sụt giảm, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao… Năm 2014, lợi nhuận sau thuế đã tăng mạnh và đạt 1.081 tỷ đồng.
Một cổ đông lớn tuổi bức xúc nói: “Năm nay, Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ chia cổ tức nhưng không có nghĩa là không chia cổ tức. Việc Techcombank giữ lại lợi nhuận mấy năm liền không chia cổ tức cho cổ đông là chưa hợp lý và không công bằng với các cổ đông nhỏ lẻ”.
Theo cổ đông này, lợi nhuận giữ lại sẽ có lợi ích hơn cho các cổ đông lớn và cổ đông đầu tư dài hạn, nhưng đã bỏ qua quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.
Một cổ đông khác nói thẳng: “Tôi chưa thấy ngân hàng nào, kể cả ngân hàng nhỏ lại không chia cổ tức nhiều năm như Techcombank. Đề nghị xem xét năm nay phải chia cổ tức, có thể tạm ứng trước cổ tức năm 2015. Vì cổ đông nhỏ chỉ trông vào cổ tức. Nếu không chia thì cần có kế hoạch cụ thể là khi nào sẽ chia cổ tức?”.
Chia sẻ bức xúc của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT giải thích, sau 3 năm tập trung tái cơ cấu thì các chỉ số kinh doanh của Techcombank đã tốt hơn. Và năm 2015, ngân hàng tiếp tục củng cố nền tảng về tài chính, hệ thống. Nhất là, tập trung xử lý nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu… để xử lý xong vào cuối năm 2015 (tỷ lệ nợ xấu cuối 2014 giảm còn 2,35%). Nhờ đó, chỉ số tài chính sẽ cải thiện hơn và mục tiêu sẽ tăng trưởng lợi nhuận 15%.
“Quan điểm của HĐQT là hoạt động ngân hàng đang khó khăn và nhiều thách thức, nên không chia cổ tức để có nguồn hỗ trợ hoạt động. Trong xu hướng hội nhập, các ngân hàng quốc doanh được nhà nước tăng vốn để chuẩn bị cạnh tranh. Techcombank nằm trong Top ngân hàng lớn nhưng đang bị bỏ khá xa. Do đó, vấn đề tăng vốn để củng cố năng lực tài chính là ưu tiên số 1”- Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.
Ông Hồ Hùng Anh cho biết thêm, Techcombank có kế hoạch thu hút thêm cổ đông lớn để tăng năng lực tài chính, vì hiện mới chỉ có một cổ đông chiến lược là Ngân hàng HSBC (sở hữu 20% cổ phần). Với áp lực cạnh tranh và khi ngân hàng tốt lên thì buộc phải chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, dự kiến trong 3-5 năm tới, ngân hàng mới có thể chia cổ tức.
Như vậy, các cổ đông Techcombank sẽ còn phải “nhịn” cổ tức thêm nhiều năm nữa dù lợi nhuận của ngân hàng sẽ hồi phục. Dự kiến, lợi nhuận trước thuế năm 2015 sẽ đạt 2.000 tỷ đồng, tăng tới 41,4% so với năm trước.
Chưa niêm yết cổ phiếu
Được biết, tại 2 kỳ Đại hội cổ đông năm 2013-2014, Hội đồng quản trị Techcombank đã đưa ra bàn vấn đề niêm yết cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, kế hoạch niêm yết cổ phiếu không được đề cập tới. Điều này cho thấy, năm 2015, Techcombank sẽ chưa lên niêm yết.
Việc chậm niêm yết của ngân hàng khiến một cổ đông chất vấn Hội đồng quản trị: "Vì sao trì hoãn không lên sàn, trong khi đây là chủ trương chính sách của NHNN. Đầu năm 2015, Thống đốc đã có chỉ đạo yêu cầu tất cả các ngân hàng phải niêm yết. HĐQT nói là ngân hàng không lên sàn nhưng vẫn minh bạch, nhưng thực tế ngân hàng nếu lên sàn sẽ minh bạch hơn hẳn”.
Theo ông Hồ Hùng Anh, các cổ đông nhỏ hay lớn đều muốn lên sàn, nhưng vấn đề là lựa chọn thời điểm niêm yết có lợi nhất, và phải quản lý ra sao để tạo giá trị lớn nhất cho cổ đông. “Việc lên sàn, ngoài thời điểm có lợi nhất thì phải làm sao niêm yết đảm bảo đúng giá trị doanh nghiệp. Chứ không lên sàn mà cổ phiếu dưới giá trị thực tế…”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Năm vừa qua, Techcombank cũng gây chú ý khi mua lại 100% vốn của Công ty tài chính hóa chất để mở rộng hoạt động và quy mô vốn. Tuy nhiên, lãnh đạo Techcombank cho biết rất thận trọng về việc mua bán - sáp nhập nên chưa có kế hoạch này trong năm nay.
Liên quan đến tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, HĐQT cho hay, ngân hàng đã bán khoảng 3.400 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty VAMC và hiện thực hiện theo đúng quy định về phân loại, trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu trong 5 năm.
Tuy vậy, Techcombank sẽ thực hiện trích lập dự phòng sớm hơn thời gian này và phấn đấu xử lý dứt điểm nợ xấu trong năm 2015-2016. Với việc bán nợ xấu, tăng trưởng tín dụng lớn tới 35% trong năm 2015 thì tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ giảm mạnh từ 2,35% xuống còn 1% dư nợ.
Đại hội cổ đông lần này đã phê duyệt tờ trình của HĐQT về phương án xử lý 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (phát hành tháng 12/2010). Theo cam kết, các trái chủ sẽ thực hiện chuyển đổi trái phiếu hành cổ phần để tăng vốn ngân hàng vào sau thời điểm tháng 12/2015 (vốn điều lệ hiện đạt 8.878 tỷ đồng). Nhưng do quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông (theo Luật các cổ chức tín dụng năm 2010, tỷ lệ tối đa là 5% với cá nhân và 15% với cổ đông tổ chức) nên cổ đông không thể chuyển đổi hết trái phiếu.
Ông Hùng Anh cho biết, 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Masan và Ngân hàng HSBC Việt Nam có cam kết sẽ chuyển đổi trái phiếu Techcombank. Nhưng xin hoãn thời điểm chuyển đổi để các cổ đông lớn chủ động một thời điểm chuyển đổi phù hợp. Việc chuyển đổi này không ảnh hưởng tới cam kết của cổ đông và vẫn đảm bảo giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Hiện vẫn chưa rõ các cổ đông lớn sẽ quyết định chuyển đổi bao nhiêu trái phiếu và Techcombank sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn tương ứng là bao nhiêu. Vấn đề là, khi ngân hàng phát hành cổ phần tăng vốn lớn ồ ạt thì sẽ làm pha loãng cổ phiếu, các chỉ số tài chính (ROE, ROA… ) giảm đi thì giá trị cổ phiếu càng giảm sâu. Điều đó lại tiếp tục làm cho các đông nhỏ lẻ chịu thêm thiệt thòi./.