Chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim, cựu giám đốc ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với PV TBTCVN xung quanh vấn đề tỷ lệ vốn ngắn hạn tối đa được cho vay dài hạn.
PV: Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực gần đây với nhiều quy định mới, trong đó việc có nâng tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 30% lên 60%. Đây được coi là biện pháp nới lỏng, cho phép các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, vốn dư thừa. Ông đánh giá thế nào về quy định này cũng như tác động của nó đối với việc thúc đẩy tín dụng?
Ông Phạm Nam Kim: Theo thông lệ trong ngành là luôn luôn có sự tương xứng hạn kỳ giữa tiền gửi và tiền vay, tiền gửi ngắn hạn chỉ có thể dùng để cho vay ngắn hạn, nếu không tuân thủ thì sẽ có rủi ro thanh khoản.
Tuy nhiên ta khó có thể chỉ chiếu theo kỳ hạn đã ký kết với khách hàng vì khi đến kỳ hạn, khách hàng vẫn có thói quen đáo hạn, gửi tiền tiếp tại ngân hàng. Khi ngân hàng trung ương ra quy định, các ngân hàng có quyền lấy tỷ lệ % tiền gửi ngắn hạn cho vay dài hạn là dựa trên thói quen trên.
Thông thường, ngân hàng trung ương đã theo dõi và phân tích kỹ thói quen của người tiêu dùng để đưa ra một tỷ lệ vốn ngắn cho vay dài thật phù hợp và an toàn. Trong thời gian vừa qua, thói quen của người gửi tiền có thể đã thay đổi, nhưng không đến mức để có thể nhân đôi tỷ lệ cho vay.
Ngoài ra khi lãi suất tiền gửi tăng thì người gửi cũng có xu hướng đáo hạn, gửi tiếp, và ngược lại khi lãi suất giảm thì người gửi tiền sẽ rút ra tìm kiếm những kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn.
Theo thông lệ quốc tế, sự thay đổi tỷ lệ cho vay dài hạn với vốn ngắn hạn phải dựa trên những thống kê cụ thể về sự thay đổi thói quen khách hàng. Quy định về tỷ lệ cho vay, trên nguyên tắc có mục đích ngăn chặn ngân hàng cho vay không an toàn và là công cụ của ngân hàng trung ương để bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống.
Với ngân hàng, khi lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, mức chênh lệch lãi suất (margin) sẽ cao hơn, vì vậy họ sẽ muốn đẩy tỷ lệ này lên cao. Ngân hàng trung ương không thể dùng công cụ này với mục đích thúc đẩy tín dụng mà không ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của toàn ngành.
|
|
 |
Thực tế, nếu không có thay đổi lớn thói quen người gửi tiền thì quy định mới đã mở rộng cửa cho rủi ro thanh khoản, một thế yếu cố hữu đã làm hệ thống ngân hàng điêu đứng trong những năm qua. Khi vấn nạn nợ xấu chưa được giải quyết, nếu lại ghép thêm rủi ro thanh khoản tăng thì hậu quả sẽ khó lường.
|
 |
 |
Ông Phạm Nam Kim
|
|
|
PV: Có ý kiến cho rằng đây chỉ nên là biện pháp tình thế khi ngân hàng dư vốn và phải sớm quay trở lại khi tín dụng đã tăng ổn định. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này, và về khả năng rủi ro thanh khoản khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tăng cao?
Ông Phạm Nam Kim: Thông tư 36 với chủ đích khuyến khích và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại đã thể hiện một nỗ lực rất cao, đáng quý, tuy nhiên việc nới lỏng tỷ lệ cho vay dài hạn với vốn ngắn hạn tương đối thiếu thuyết phục.
Thực tế, nếu không có thay đổi lớn thói quen người gửi tiền thì quy định mới đã mở rộng cửa cho rủi ro thanh khoản, một thế yếu cố hữu đã làm hệ thống ngân hàng điêu đứng trong những năm qua. Khi vấn nạn nợ xấu chưa được giải quyết, nếu lại ghép thêm rủi ro thanh khoản tăng thì hậu quả sẽ khó lường.
Nâng cao tỷ lệ cho vay dài hạn với vốn ngắn hạn chưa chắc đã thuyết phục được các ngân hàng, vì môi trường kinh doanh hiện tại không khả quan. DN cần vốn thì kết quả kinh doanh kém, rủi ro quá cao, ngân hàng không dám đụng tới.
Các DN hoạt động tốt thì hiện tại cũng tạm ngưng những dự án phát triển, như vậy họ không cần đi vay, ngược lại họ dư tiền và chỉ lo kiếm những kênh đầu tư hiệu quả hơn.
Tình trạng này khiến ngân hàng chuyển hướng sang phát triển tín dụng tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng thì không cần đến sự nới lỏng tỷ lệ cho vay dài hạn, vì trên nguyên tắc tín dụng tiêu dùng là ngắn hạn (ngoại trừ cho vay mua nhà, nếu khoản vay này được coi là tiêu dùng). Hơn nữa, chỉ đạo của Thủ tướng là tháo gỡ khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho DN chứ không phải thúc đẩy cho vay tiêu dùng!
PV: Theo ông, có giải pháp nào để thúc đẩy cho vay mà vẫn đảm bảo an toàn thanh khoản, khi mà vốn ngắn hạn chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng vốn huy động? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế tương tự về quản lý dòng tiền ngắn hạn và dài hạn?
Ông Phạm Nam Kim: Điểm yếu kinh niên của thị trường tài chính Việt Nam là thị trường vốn gần như không có, ngân hàng không thể phát hành trái phiếu dài hạn để tài trợ tín dụng dài hạn. Họ chỉ có thể trông chờ vào huy động tiết kiệm dân cư để lấy tiền cho vay.
Khổ một nỗi là ngay từ thuở ban đầu ta đã không theo thông lệ quốc tế và đưa ra quy chế sổ tiết kiệm có thời hạn. Khi mà không có sự khác biệt nhiều giữa lãi suất ngắn hạn và trung dài hạn thì tất nhiên người tiết kiệm sẽ đổ tiền vào ngắn hạn. Và ngân hàng đã phải chung sống với cái cảnh từ khi đó, lấy tiền ngắn hạn cho vay dài hạn.
Khi thiếu thanh khoản thì ngân hàng nhờ cậy vào thị trường liên ngân hàng. Chúng ta đã thấy nhiều thời điểm thị trường liên ngân hàng “sốt” trong những năm qua, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên đến mức không tưởng.
Muốn giải quyết vấn đề này, chúng ta phải tạo được thị trường vốn ở Việt Nam, và muốn tạo được thị trường này thì "đường cong trái phiếu" (yield curve) phải tạo ra sự hấp dẫn, thu hút vốn tiết kiệm dân cư.
Về sổ tiết kiệm, ta cũng nên theo các quốc gia khác, không đặt kỳ hạn và nếu muốn rút tiền quá một mức nào đó thì sẽ phải thông báo ngân hàng trước, nếu không sẽ chịu phạt nặng. Với những điều kiện trên ngân hàng Thụy Sỹ thoải mái tài trợ tín dụng dài hạn (bất động sản) với vốn tiết kiệm. Muốn vậy, tất cả các ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của NHNN nên cùng lúc thay đổi quy chế số tiết kiệm hiện nay.
Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hay nói một cách cụ thể khác, làm sao DN cần tiền có thể tiếp cận được nguồn vốn. Như nói ở trên ngân hàng hiện tại thừa tiền, rất muốn cho vay, nhưng cho vay không được vì nợ xấu, rủi ro tín dụng đều cao.
Trường hợp này đã xảy ra nhiều ở những quốc gia khác khi kinh tế khó khăn, khủng hoảng đe dọa. Phương án họ áp dụng là Chính phủ (trung ương hoặc địa phương) đứng ra bảo lãnh những khoản vay của DN. Như vậy ngân hàng và DN có thể dễ dàng gặp nhau mà không e ngại rủi ro tín dụng.
PV: Xin cảm ơn ông!