Xuống tận cơ sở y tế để hướng dẫn
Ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành 3 quyết định quy định về mẫu thẻ BHYT, mã số ghi trên thẻ BHYT và quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám chữa bệnh (KCB).
Đồng thời, BHXH đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn một số nội dung về quản lý thu như: Thực hiện việc xác định, quản lý, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý… và cấp thẻ theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung.
Ngay từ những ngày đầu luật có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ thường trực tại BHXH Việt Nam và chỉ đạo thành lập Tổ thường trực tại các cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố; thông báo đường dây nóng, bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở KCB và các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã cử cán bộ chuyên môn xuống các bệnh viện tại khu vực Hà Nội để phối hợp cùng với giám định viên thường trực tại đây giải quyết các vướng mắc, phát sinh.
Nhìn chung, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, sau khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, công tác KCB BHYT đã được triển khai thực hiện đúng quy định, người bệnh đã được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật mới sửa đổi, bổ sung.
Vướng mắc ở việc bắt buộc tham gia theo hộ
Luật BHYT mới sửa đổi quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, việc này chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân, nhất là các đối tượng trước đây đã tham gia BHYT tự nguyện theo từng cá nhân.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc tiếp cận thông tin với những quy định mới sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT đến với người dân nói chung, với các đối tượng đã tham gia BHYT tự nguyện theo cá nhân nói riêng chưa kịp thời và còn nhiều hạn chế.
Thu nhập của hộ gia đình còn thấp nên họ không muốn mua BHYT cho cả hộ gia đình, đa số các đối tượng có bệnh nặng, bệnh mãn tính mới tham gia BHYT mà chưa có sự chia sẻ ngay với cả các thành viên trong cùng một gia đình.
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến khai báo tạm trú, tạm vắng, đăng ký hộ tập thể cho người thuê nhà không được thực hiện đúng với quy định của Luật Cư trú.
Việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài, xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại nơi này nhưng chuyển đến nơi khác làm việc còn rườm rà; trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức không rõ ràng, chưa cụ thể khiến người dân phải đi lại quá nhiều nơi, nhiều lúc mà không được xác nhận
Một số nhân viên đại lý BHYT tại quận, huyện còn máy móc, cứng nhắc trong việc lập danh sách, hướng dẫn người đại diện hộ gia đình khi kê khai danh sách tham gia BHYT, gây bức xúc cho người dân.
Việc tổ chức thực hiện BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo vẫn chưa có sự thống nhất giữa các địa phương. Theo đó, nhiều địa phương thực hiện hỗ trợ 70% mức đóng cho tất cả các thành viên thuộc hộ cận nghèo và tổ chức tham gia BHYT cho cả hộ, nhưng cũng có địa phương chỉ hỗ trợ cho cá nhân một số người có nhu cầu tham gia BHYT, thường là đã mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính.
Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho thấy, những bất cập khi quy định thanh toán BHYT trong các trường hợp KCB không đúng tuyến là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, mất công bằng trong KCB và ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối ở nhiều cơ sở KCB ban đầu.
Luật BHYT sửa đổi đã quy định người bệnh tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng tại bệnh viên tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú, tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60%, bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí KCB.
Theo quy định này, các cơ sở y tế không phải là bệnh viện theo quy định của Luật KCB, sẽ không được thanh toán BHYT khi KCB vượt tuyến, trái tuyến. Tuy nhiên, một số địa phương và cơ sở KCB, nhất là các phòng khám đa khoa tư nhân vẫn đề nghị được KCB vượt tuyến, trái tuyến ngoài quy định…
Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi đang là những thách thức đối với BHXH Việt Nam và cần sớm có hướng dẫn giải quyết để Luật BHYT sửa đổi thực sự được triển khai rộng rãi và đi vào cuộc sống.
Để tháo gỡ một số vướng mắc, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép sử dụng cơ chế, chính sách mang tính chất kích cầu để hỗ trợ các hộ gia đình nông dân, hộ kinh doanh cá thể, dân nghèo thành thị khi tham gia BHYT.
Đối với hộ gia đình có một số người tham gia BHYT tự nguyện từ năm 2014, nếu vẫn có nhu cầu thì cho phép cá nhân người đó tiếp tục tham gia BHYT trong năm 2015. Những người còn lại trong gia đình, mới tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục phải thực hiện theo hộ gia đình.
|