Nợ xấu tăng trong 3 quý đầu năm
Báo cáo của BSC cho biết, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. Theo đó, năm 2012 tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 4,08%; năm 2013 giảm còn 3,61% và đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu là 3,25%. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm mạnh vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Theo BSC, tỷ lệ nợ xấu giảm là do tăng trưởng tín dụng cao và các ngân hàng bán nợ cho VAMC.
Nhưng BSC cho biết thêm, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trong 3 quý đầu năm 2015. Nguyên nhân của nhận định này là do yêu cầu về phân loại nợ chặt hơn theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo theo nhóm nợ được Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước cung cấp. Đồng thời, phải kết hợp phân loại nợ theo cả 2 phương pháp định tính và định lượng.
Ngoài ra, kể từ ngày 1/4/2015, hết hiệu lực quy định “cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ” cũng góp phần gia tăng nợ xấu.
Hiện tại, VAMC đóng vai trò như một kho cất giữ nợ xấu
Tuy vậy, cũng theo báo cáo này, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý IV/2015, bởi các ngân hàng sẽ đẩy mạnh bán nợ cho VAMC và tín dụng sẽ tăng trưởng. BSC cho biết, cơ chế bán nợ cho VAMC được thúc đẩy trên cả 2 phương diện là cung nợ xấu và cầu nợ xấu.
Về kích cung nợ xấu, BSC phân tích, Chỉ thị 02 ra ngày 27/1/2015 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bán tối thiểu 75% lượng nợ xấu do VAMC xác định đối với từng tổ chức tín dụng trước 30/6/2015 và bán hết 100% trong năm nay, nên nhu cầu bán nợ sẽ rất lớn.
Cùng với đó, cung nợ xấu cũng có thể tăng lên khi giãn thời gian trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng tái cơ cấu, hoặc gặp khó khăn về tài chính từ 5 năm lên 10 năm làm giảm chi phí trích lập dự phòng hàng năm cho tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc tăng khả năng mua nợ theo giá trị thị trường giúp các ngân hàng bán nợ thu được “tiền tươi”, không phải trích lập dự phòng rủi ro và không còn rủi ro với khoản nợ xấu được bán cũng góp phần kích cung nợ xấu.
Về kích cầu nợ xấu, việc tăng nguồn lực mua nợ của VAMC thông qua tăng vốn điều lệ tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá trị thị trường sẽ góp phần tốt hơn cho đơn vị này mua nợ. Ngoài ra, theo BSC, dự định ra thông tư cho phép VAMC xử lý tài sản đảm bảo, tăng quyền đòi nợ của chủ nhà băng cũng tạo kỳ vọng xử lý nợ xấu thuận lợi hơn.
Mặc dù vậy, BSC lưu ý, với cơ chế hoạt động hiện tại, VAMC chưa thực sự giải quyết được nợ xấu, đóng vai trò như một kho cất giữ nợ xấu, làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, rủi ro nợ xấu vẫn thuộc về các ngân hàng thương mại. Do đó, để đánh giá đúng và đủ về rủi ro nợ xấu, số dư và tỷ lệ nợ xấu phải được đánh giá dựa trên số dư nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại và số dư bán nợ cho VAMC chưa xử lý được./.