Trước năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) Nhà nước duy nhất với 22 sản phẩm thì cho đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 61 DNBH với hơn 800 sản phẩm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2014. Thị trường bảo hiểm tiếp tục thể hiện vai trò là tấm lá chắn giúp ổn định tài chính, đời sống và sản xuất kinh doanh của người tham gia bảo hiểm, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội…
"Tấm lá chắn" bảo vệ nền kinh tế - xã hội
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phùng Ngọc Khánh cho biết, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tích cực, cả về mặt quy mô và chất lượng hoạt động. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2014, thị trường đã có mức tăng trưởng cao, ổn định, đạt mức trung bình 12,7%/năm. Tổng doanh thu của thị trường năm 2014 là 67.169 tỷ đồng, đạt mức 2,44% so với GDP, hoàn thành mục tiêu trung hạn của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.
Thị trường bảo hiểm đã góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm, bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng cho đến hết năm 2014. Trong đó, tổng số tiền đầu tư của các DNBH vào trái phiếu Chính phủ đạt 70.000 tỷ đồng, góp phần ổn định các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ.
Thị trường bảo hiểm cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê của các DNBH, vào khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự cố mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Đến hết năm 2014, đã tạo lập công ăn việc làm cho trên 400.000 lao động với thu nhập ổn định. Ngoài ra, hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%)…
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm cũng đã góp phần bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Báo cáo từ các DNBH cho thấy, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài) lên tới gần 10 triệu tỷ đồng. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng)… Bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.
Ngoài ra, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ như: Chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản…; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế với cam kết mở của thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh, mặc dù thị trường bảo hiểm đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn khá khiêm tốn về quy mô, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP năm 2014 mới chỉ đạt 2,44%, thấp so với mức 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,2% trên toàn thế giới; nhận thức, hình ảnh về bảo hiểm chưa sâu rộng; sản phẩm bảo hiểm chưa đa dạng...
Giải pháp phát triển thị trường bền vững
Mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2015-2020 là phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.
Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra, cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm cũng như các chính sách liên quan như chính sách ưu đãi thuế, cung cấp thông tin,… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNBH; đơn giản hoá thủ tục hành chính; tăng cường công tác quản trị rủi ro của DNBH để từ đó tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DNBH được ổn định, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát các DNBH trên cơ sở thực hiện phân loại các DNBH theo quy định; đánh giá, xếp loại DNBH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của DNBH.
Đặc biệt, từng bước hiện đại hoá thị trường bảo hiểm, tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm; tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý giám sát theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,...
Về phía các DNBH, cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản trị DN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các kênh phân phối nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tham gia bảo hiểm; tăng cường công tác quản lý, giám sát, quản trị rủi ro tại DN, minh bạch hóa thông tin, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có biện pháp xử lý ngay đối với những vụ việc phát sinh, đảm bảo cho DN hoạt động an toàn và hiệu quả.
“Còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự đồng lòng của các DNBH, cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và cơ quan liên quan, thị trường bảo hiểm nhất định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm nói chung và đối với từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nói riêng trước những rủi ro bất ngờ, không lường trước được”, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cho biết./.