Ngân hàng Nhà nước đề xuất ấn định lãi suất tối đa
Tại kỳ họp 9, dự thảo Bộ luật Dân sự trình Quốc hội quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ; đồng thời, đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...
Không ủng hộ đề xuất này, tại báo cáo trình UBTVQH ngày 18/8, Ủy ban Pháp luật (UBPL) cho rằng, nếu không dùng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự. Hơn nữa, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của một hay một số ngân hàng thương mại có tỉ trọng tín dụng lớn, hay lãi suất TPCP... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và không dễ tiếp cận với phần lớn người dân như lãi suất cơ bản.
Trong quá trình lấy ý kiến, UBPL cũng nhận được đề nghị của NHNN về việc nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự. Theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, tuy phương án này thuận lợi cho việc áp dụng nhưng lại không bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế có biến động.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBPL đưa ra hai phương án để xin ý kiến UBTVQH. Phương án 1 là đưa ra lãi suất cố định ngay trong BLDS (20%), và giao một cơ quan có thẩm quyền (UBTVQH) điều chỉnh mức lãi suất này theo đề nghị của Chính phủ cho phù hợp với tình hình. Đây là phương án được UBPL ủng hộ. Phương án 2 là giữ như quy định tại dự thảo đã trình Quốc hội.
Đề xuất căn cứ theo lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, căn cứ Luật NHNN, NHNN có trách nhiệm phải ban hành lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, NHNN vẫn có ý “né tránh” trách nhiệm này và đề xuất ấn định mức lãi suất cố định ngay trong luật.
Tuy nhiên, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, nếu quy định lãi suất cố định như đề xuất tại dự thảo là rất thiếu khả thi, vì lãi suất biến động thường xuyên theo quy luật của kinh tế, ngay cả ở các nước lớn trên thế giới cũng không thể quy định cố định. Nếu quy định cố định, chúng ta sẽ phải thường xuyên xem xét điều chỉnh. Ông Nguyễn Doãn Khánh đề xuất nên chọn phương án lấy lãi suất cơ bản của ngân hàng để làm cơ sở xem xét xử lý chung.
Cùng quan điểm này, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cho rằng nếu ấn định lãi suất mà lại muốn điều chỉnh thì chỉ có thể sửa luật, chứ không thể để UBTVQH điều chỉnh trong khi lãi suất còn nhiều biến động. “Nếu được thì nên có lãi suất cơ bản, giao cho Chính phủ quy định để làm công cụ điều chỉnh thì sẽ hợp lý hơn. Nếu đã ghi trong luật rồi mà chờ điều chỉnh thì sẽ chậm so với thị trường, hơn nữa cũng không phù hợp”, ông Tống Anh Hào nói.
Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng đã nói đến lãi suất là phải hình thành trên quan hệ thị trường, dù thị trường đó quy mô thế nào, có điều chỉnh của Nhà nước hay không. Ông lấy ví dụ, nếu ấn định luôn là 20% (như dự thảo mới trình) cho năm nay, thì thực ra tạo điều kiện cho vay nặng lãi hoạt động nhiều hơn, vì lãi suất thị trường của chúng ta đang thấp.
Về lãi suất cơ bản, ông cũng cho biết thêm, “NHNN đã không ban hành lãi suất cơ bản 6 năm nay, nên cơ quan pháp luật không thể xử lý tội cho vay nặng lãi nào vì không có căn cứ”.
Vì vậy, không ủng hộ cả hai phương án nêu ra, ông Đinh Văn Nhã đề xuất nên chọn lãi suất TPCP dài hạn 10 năm làm căn cứ xác định thay cho lãi suất ngân hàng. Ông Đinh Văn Nhã lý giải, nếu để kiểm soát cho vay nặng lãi thôi thì cũng không nên chọn lãi suất linh động quá theo thị trường, hoặc ấn định lãi suất cứng quá. Trong khi đó, tỷ trọng TPCP 10 năm phát hành ngày càng nhiều, lãi suất TPCP vừa có tính thị trường vừa có tính ổn định.
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, điều 475 của dự thảo BLDS mới trình UBTVQH tại phiên họp thứ 40 đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác.Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. |