Theo thống kê, vẫn còn 12 địa phương có tỷ lệ bao phủ thấp BHYT dưới 65% dân số.
Khó mở rộng đối tượng
So với bình diện chung của cả nước thì tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (12 tỉnh - trừ Trà Vinh, Sóc Trăng) đạt rất thấp. Tỉnh đạt cao nhất là Bến Tre với 63,41% và thấp nhất là Bạc Liêu tỷ lệ 49,1% dân số tham gia BHYT.
Lý giải cho tình trạng này, tại hội thảo bàn các giải pháp phát triển BHYT đối với các tỉnh thành phố có tỷ lệ bao phủ thấp, rất nhiều nguyên nhân được các địa phương đưa ra. Trong đó, nguyên nhân chính là hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo cao; nhiều thủ tục, cách tham gia theo phương thức hộ gia đình rườm rà; công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao,…
Đối với nhóm tham gia theo hộ gia đình: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi việc.
Năm 2015, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc nên đối tượng người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số giảm do không được ngân sách nhà nước mua BHYT. Bên cạnh đó, theo lộ trình xóa đói, giảm nghèo hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo, do đó số người không thuộc hộ cận nghèo không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng sẽ không tham gia BHYT. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.
Tình trạng các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm. Theo thống kê của cơ quan BHXH, cả nước hiện có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh - sinh viên (HSVS), trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia BHYT…
Đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình: Đa số các tỉnh, thành phố chưa xác định và lập danh sách đối tượng này theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này. Ngoài ra, quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng này khi tham gia theo hộ gia đình nhưng không giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi cũng là khó khăn đối với đối tượng này.
Tăng cường sự hỗ trợ từ cộng đồng
Bàn về các giải pháp phát triển đối tượng, nhiều giải pháp đã được hội thảo đưa ra, trong đó, đối với các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới mức bình quân chung cả nước cần xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT, cụ thể theo từng nhóm đối tượng, tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh sinh viên; hộ cận nghèo; xã đảo, huyện đảo; xã có vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và một phần mức đóng BHYT cho các hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tại các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Huy động sự hỗ trợ của cộng đồng là một trong những giải pháp được nhấn mạnh, để vừa mở rộng diện bao phủ BHYT, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách. Hiện nay, ở những địa phương có tỷ lệ trên 90% HSSV tham gia BHYT đang áp dụng hết sức hiệu quả mô hình Quỹ hỗ trợ HSSV tham gia BHYT. Quỹ sẽ huy động nguồn lực từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHYT.
Theo PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian còn lại, các địa phương cần tập trung rà soát kế hoạch triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị có liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải làm rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình để người dân thấy được chính sách tốt mà tham gia; hỗ trợ UBND cấp xã tập huấn, điều tra lập danh sách hộ gia đình tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại BHXH huyện, đại lý thu bưu điện, đại lý thu UBND xã, phường; mở rộng hệ thống đại lý thu để đáp ứng yêu cầu của người dân tham gia BHYT; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng dịch vụ đến tận trạm y tế xã,…
Ngoài ra, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để tăng bề rộng bao phủ của BHYT, cần tăng đáng kể mức ngân sách chung dành cho trợ cấp mua bảo hiểm đối với đối tượng cận nghèo hoặc lao động phi chính thức; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo hiểm y tế cho cả cơ sở y tế và đối tượng thụ hưởng./.