Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến nay đã triển khai được hơn 2 năm và mới giải ngân được khoảng 1/3. Nhìn lại về gói hỗ trợ này, quan điểm của ông như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Đực: Chủ trương, mục đích của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng rất đúng, hợp lòng dân, nhưng qua thực tế triển khai thực hiện nhìn vào định lượng khi hơn 2 năm mới giải ngân được 1/3 tổng số tiền, có thể thấy gói hỗ trợ này là một thất bại.
Nói thất bại bởi lẽ gói hỗ trợ này đã không giúp cho thị trường BĐS phát triển một cách tốt đẹp hơn. Sự ấm lên của thị trường BĐS chẳng qua là do các doanh nghiệp (DN) nhanh nhẹn mua đi bán lại những dự án “chết” để vực dậy, chứ rất ít ảnh hưởng từ gói 30.000 tỷ đồng. Ví dụ ngay như tại TP.Hồ Chí Minh hiện có đến khoảng 900 dự án gặp khó khăn mà vẫn không “chạm” được đến gói 30.000 tỷ đồng.
|
|
 |
Có tình trạng các DN lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi như tình trạng “đặt cọc” để được mua nhà ở xã hội, hay “xé nhỏ” hợp đồng mua nhà thành nhiều gói nhỏ để đủ tiêu chuẩn được vay ưu đãi,… |
 |
|
Ông Nguyễn Văn Đực
|
|
|
Mặt khác, đối tượng thụ hưởng chính của gói 30.000 tỷ đồng là người nghèo, người thu nhập thấp thì rất ít tiếp cận được, mà chủ yếu là những người thu nhập trung bình khá vay mua được nhà mà thôi. Như vậy, xét về mặt hỗ trợ thị trường BĐS và mặt nhân văn, gói 30.000 tỷ đồng đều chưa đạt những mục tiêu như kỳ vọng.
PV: Bên cạnh việc tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng hiện rất chậm, gần đây còn xuất hiện nhiều hiện tượng trục lợi từ gói hỗ trợ này. Ông có bình luận như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Đực: Trong khi gói 30.000 tỷ đồng đang trên đường “lao dốc” niềm tin khi tiến độ giải ngân được ví như “rùa bò”, thì gần đây lại được thêm “động lực” mới để gói này lao dốc nhanh hơn. Đó là tình trạng các DN lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi như tình trạng “đặt cọc” để được mua nhà ở xã hội, hay “xé nhỏ” hợp đồng mua nhà thành nhiều gói nhỏ để đủ tiêu chuẩn được vay ưu đãi,… Trong khi đó, đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn DN trục lợi, khiến người dân phải chịu thiệt hại.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng nhanh hơn trong thời gian tới?
- Ông Nguyễn Văn Đực: Vấn đề mấu chốt là không có sản phẩm – những căn hộ nhỏ giá tầm 300 - 500 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo có nhà.
Muốn giúp người nghèo các địa phương nên học tập Bình Dương. Bình Dương đã nhìn nhận thực tế là dân nghèo phải có căn hộ nhỏ. Trước đây, Bình Dương đầu tư một lúc 5.000 căn hộ 30m2 bán với giá 100 - 200 triệu đồng, giờ họ tiếp tục làm 30.000 căn hộ diện tích khoảng 40 - 50m2 bán giá 8 - 9 triệu đồng/m2, tức tổng số tiền khoảng 400 - 500 triệu đồng trở lại. Nếu các địa phương khác trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai mạnh như Bình Dương thì mới đẩy nhanh được tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách cho vay với lãi suất rất thấp để xây nhà cho thuê, bởi nhà cho thuê cũng là sản phẩm phục vụ một cách hiệu quả cho những người nghèo. Hiện nay, rất ít, thậm chí hiếm có DN xây nhà cho thuê vì họ phải vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng sức thuê chỉ có 5 -7%/năm, đương nhiên họ lỗ. Ngoài ra, những quy định về nhà cho thuê mới chỉ được đặt ra nửa vời, chưa có luật lệ về nhà cho thuê, không có cách quản lý và không có đồng vốn cho nhà cho thuê nên DN chưa dám làm. Do đó, nếu gói 30.000 tỷ đồng mở rộng hỗ trợ DN xây nhà cho thuê với lãi suất thấp thì khi ấy gói hỗ trợ này sẽ “chạm” được đến nhiều người hơn và tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn.
PV: Có một thời gian dư luận cũng xôn xao việc các cơ quan chức năng đề xuất có thêm những gói hỗ trợ tương tự gói 30.000 tỷ đồng như gói 50.000 tỷ đồng, gói 20.000 tỷ đồng… Quan điểm của ông như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi được biết, trước kết quả không mong muốn từ gói 30.000 tỷ đồng, nhiều đơn vị như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng khác như gói 50.000 tỷ đồng dùng để hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất ưu đãi, nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán được thời gian trả nợ.
Tuy nhiên, nếu triển khai thêm gói hỗ trợ mới thì tôi e rằng sẽ lại “nối gót” theo thất bại của gói 30.000 tỷ đồng. Vấn đề không phải ở chỗ có 1 gói hay 10 gói nhưng nếu càng mở nhiều gói tín dụng hỗ trợ mà không có một chiến lược đúng thì 10 gói cũng thất bại. Do đó, thay vì mở tiếp gói mới, chúng ta nên tập trung cho gói 30.000 tỷ đồng để đạt được những mục tiêu tốt đẹp như kỳ vọng, tránh tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” như gói 30.000 tỷ đồng hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!