Tại các buổi làm việc, đoàn công tác và chính quyền các địa phương đã cùng trao đổi, cập nhật, giải đáp thông tin về cả chính sách và thực tiễn, nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai chính sách hỗ trợ BHNN.
Tích cực tuyên truyền chính sách BHNN cho nông dân
Đồng Tháp và An Giang là 2 tỉnh sẽ thực hiện BHNN đối với cây lúa theo chương trình chính sách hỗ trợ BHNN. Còn Bạc Liêu và Cà Mau là 2 tỉnh sẽ thực hiện BHNN đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng khi xảy ra rủi ro thiên tai.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Đồng Tháp, thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời các đơn vị đã chủ động tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Cũng theo đại diện Sở Tài chính, hiện Đồng Tháp đã chọn 3 huyện để triển khai BHNN là Cao Lãnh, Tháp Mười và huyện Lấp Vò; trong đó, mỗi huyện chọn 3 – 5 xã để triển khai thực hiện. Đây là các địa bàn có diện tích sản xuất lúa lớn, trọng điểm của tỉnh.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT An Giang, tỉnh cũng đã bước đầu triển khai chính sách hỗ trợ BHNN đối với cây lúa trên địa bàn. Cụ thể, sở đã có công văn tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền; tổng hợp nhu cầu tham gia BHNN trên địa bàn. Cùng với đó, sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng chuyên đề về chính sách hỗ trợ BHNN; cũng như phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin cho các công ty Bảo Việt và Bảo Minh để xây dựng sản phẩm BHNN phù hợp. Đồng thời, Sở NN&PTNT đã tổng hợp nhu cầu đăng ký tham gia và hiện đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố địa bàn, kế hoạch thực hiện chính sách BHNN.
Còn tại Bạc Liêu, theo báo cáo, hiện nay Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã đề xuất danh sách địa bàn được hỗ trợ phí BHNN gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố lấy ý kiến đóng góp. Hiện UBND tỉnh cũng đang xem xét ban hành quyết định lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí BHNN.
Tại Cà Mau, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, thủy sản là ngành mũi nhọn của tỉnh, riêng với con tôm là sản phẩm chủ lực và đây cũng là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ BHNN; đồng thời cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện. Các địa phương cũng đã thông báo địa bàn được hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn thủ tục cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHNN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau cũng đã trao đổi với đoàn công tác một số khó khăn khi triển khai cụ thể BHNN tại địa phương. Vì vậy, các tỉnh đề nghị sớm xây dựng, phê chuẩn sản phẩm, quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm,... để sớm triển khai cụ thể; đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc chi, báo cáo quyết toán thực hiện hỗ trợ phí BHNN. Đại diện một số địa phương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh; ban hành quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để địa phương có căn cứ cụ thể triển khai.
Đẩy nhanh lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác cũng đã chia sẻ cụ thể hơn về một số nội dung quan trọng của Nghị định 58 và Quyết định 22; đồng thời cập nhật thêm một số thông tin về tình hình triển khai tại một số địa phương khác, quy trình, quy định và đặc biệt là sản phẩm BHNN sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) báo cáo Bộ Tài chính xem xét, phê chuẩn.
Đại diện Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) và Tổng công ty CP Bảo Minh (Bảo Minh) đã thông tin chi tiết hơn về quá trình xây dựng sản phẩm BHNN. Theo đó, sản phẩm hiện nay đang được các nhà bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm hoàn thiện những khâu cuối để trình Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT xem xét phê chuẩn.
Trao đổi tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, ông Bùi Hữu Phú – Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính) đã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc thông tin tuyên truyền, cũng như việc triển khai bước đầu chính sách BHNN tại địa phương. Liên quan tới một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, các thành viên đoàn công tác đã giải đáp cụ thể; đồng thời ghi nhận một số ý kiến để báo cáo lên các cấp trên nhằm đảm bảo khả năng thực thi cao nhất chính sách BHNN.
Riêng với tỉnh An Giang, các thành viên đoàn công tác đều đánh giá, đây là địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng thành công cao khi triển khai chính sách BHNN đối với cây lúa. Tuy nhiên, căn cứ vào bảng tổng hợp về các địa bàn đăng ký tham gia chương trình, đại diện đoàn công tác đề nghị phía địa phương cần cân đối lại trước khi quyết định và công bố địa bàn hỗ trợ, để đảm bảo tính hợp lý và cân đối lợi ích, rủi ro cho nhiều bên, cả phía Nhà nước, DNBH và người nông dân khi triển khai.
Đại diện đoàn công tác cũng đề nghị các địa phương cần sớm lựa chọn và công bố chính thức địa bàn cụ thể để triển khai các công việc khác được hiệu quả hơn, như phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, dự toán kinh phí,...
“Đối tượng thụ hưởng của chính sách BHNN phần lớn là người nông dân. Do đó, công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng, bởi khi hiểu thực sự, người nông dân, đặc biệt là hộ nghèo thì mới tích cực tham gia. Song song với đó, để chính sách BHNN có thể sớm được triển khai hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến tận xã, thôn, ấp, cũng như sự tham gia tích cực của các DNBH” – ông Bùi Hữu Phú nhấn mạnh.
Chia sẻ ý kiến tại các buổi làm việc, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để chính sách đến được với người dân. Công tác tuyên truyền, vận động cần có sự đổi mới, sáng tạo về hình thức theo hướng dễ hiểu, gần gũi với người nông dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần phối hợp với các DNBH để hạn chế tối đa các hành vi, hiện tượng trục lợi bảo hiểm, tránh tình trạng người dân tham gia mất niềm tin về lợi ích và mục tiêu tốt đẹp của chính sách hỗ trợ BHNN. |