Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố, sáng 22/4, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Doanh nghiệp "than" chậm giải phóng mặt bằng dự án
Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện nay toàn thành phố có 144 dự án FDI có sử dụng đất (không bao gồm các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp) thực hiện đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Kinh doanh bất động sản, khu đô thị nhà ở, thể thao vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục...
Trong đó, có 107 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định (chiếm 75%), có 37 dự án chậm tiến độ, chiếm 22%, có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD và sử dụng khoảng 1.600 ha đất, chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hầu hết các dự án chậm tiến độ đều gặp khó khăn về quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất…
Đại diện Công ty SIH (Singapore), chủ đầu tư dự án tổ hợp Metrolis Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) cho biết, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này, tuy nhiên thực tế các thủ tục về đất đai, xác định giá đất vẫn bất cập và mất nhiều thời gian. Đại diện SIH kiến nghị, "thành phố cho phép doanh nghiệp “đi tắt”, nộp một khoản tiền thuê đất trước để triển khai dự án. Sau khi thủ tục xong thì sẽ tính toán lại để nộp thêm tiền thuê hoặc nhận lại tiền thừa".
Phát biểu tại hội nghị, chủ đầu tư dự án Bệnh viên đa khoa Phương Đông (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, dự án có vốn đầu tư gần 200 triệu USD hiện đang vướng 4.000 m2 chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) do chưa phê duyệt được cơ chế, đơn giá bồi thường đối với các loai đất nông nghiệp và do các gia đình không hợp tác di chuyển, do vậy chưa thể GPMB toàn bộ dự án.
Cùng chung hoàn cảnh, chủ đầu tư dự án xây dựng công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện dự án đang vướng trong GPMB khu B (khoảng 320m2), đây là khu đất giáp ranh khu quân đội, các hộ dân thuộc khu T59 Tổng cục Hậu cần vẫn đang ở và 600 m2 của dự án hiện dân địa phương đang chiếm dụng để làm bãi để xe. Dự án này có số vốn đầu tư hơn 846 triệu USD, chủ dự án kiến nghị các ban, ngành liên quan hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Còn theo chủ đầu tư dự án khu đô thị (KĐT) chức năng Noble Vân Trì (Đông Anh), dự án đang phải chờ quy hoạch tổng thể được phê duyệt nên bị chậm tiến độ hạng mục nhà ở xã hội và trường học quốc tế. "Chúng tôi mong muốn sớm được triển khai dự án", chủ đầu tư đề nghị.
Chủ dự án KĐT Tây Hồ Tây (thuộc hai quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm - vốn đầu tư 548,3 triệu USD) cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh công tác GPMB của dự án và hoàn thiện đầu tư xây dựng các tuyến đường số 01, 03 nằm ngoài hàng rào của dự án đảm bảo kết nối dự án đồng bộ.
Một số dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như dự án KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2; KĐT C2 Gamuda; Trường Quốc tế Grammar School; khu nhà ở của Công ty Togi Việt Nam; cao ốc Quốc tế Hồ Tây.. cũng đang gặp khó khăn trong công tác GPMB và bàn giao đất…
Nhiều nhà đầu tư cũng đề nghị thành phố cải cách hành chính, thay đổi phương thức thu tiền đất, thuế, giải quyết tranh chấp với người dân trong dự án.
Trước 30/5, phải có phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư theo chủ trương của Chính phủ và thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện có dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.
Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng và ban hành khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường; hoàn thành việc rà soát quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất; tập trung GPMB và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu sớm triển khai hoạt động Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch TP.Hà Nội nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội và tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh: "Việc đối thoại với doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn phải được tổ chức thường xuyên, kiên trì và được thành phố đặc biệt quan tâm. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế của Thành phố". Phó Chủ tịch đề nghị trước 30/5, các sở, ngành liên quan phải trả lời doanh nghiệp phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thành phố để có cách thức giải quyết, đảm bảo dự án được sớm triển khai./.