Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã kiên quyết như vậy tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị cơ quan liên quan về hoạt động vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tổ chức vào chiều 6/5, tại Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc họp Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, số lượng doanh nghiệp tham gia tuyến Hải Phòng - Hà Nội là 16 đơn vị với 225 xe, trong đó, Hải Phòng có 10 đơn vị với 191 xe. Hà Nội có 6 đơn vị với 34 xe. Biểu đồ tần suất hoạt động 375 chuyến/ngày đêm/16 tuyến với 10 phút/chuyến. Tỷ lệ xe trung bình chạy tuyến là 89%. Sản lượng hành khách đạt 7.800 người, tương ứng hệ số 42%.
“Tất cả các phương tiện đều hoạt động tốt, trước đây xe chủ yếu từ 16 - 35 chỗ ngồi, sản xuất năm 2008 nhưng đến nay, cơ bản được chuyển đổi công năng sử dụng đến 47 ghế. Trong khi đó, lượng khách chỉ đông vào ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, không xảy ra ùn tắc và thiếu xe trong những ngày lễ, Tết. Từ năm 2011 đến nay, địa phương không cấp thêm giấy phép doanh nghiệp mà chỉ tập trung duy trì ổn định, rà soát giảm tần suất 19 chuyến xe hoạt động kém hiệu quả hoặc có những tái phạm nhiều lần”, ông Nguyễn Đức Thọ khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thọ, các đơn vị vận tải hiện vẫn còn tình trạng chưa chấp hành điều kiện kinh doanh, vi phạm đăng ký, niêm yết chạy sai hành trình, xe xuất bến cố tình dừng đỗ lâu ở bến Gia Lâm, Lương Yên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, tắt thiết bị hộp đen, cạnh tranh bằng cách dùng “cò mồi” chèo kéo hoặc “bắt chẹt” hành khách… thậm chí có trường hợp đối tượng nhắn tin, đe dọa và yêu cầu một số xe đang lưu thông trên đường phải chạy chậm lại để xe khác chạy lên trên nhằm chèn ép và bắt khách, đặc biệt có hành vi gây thương tích cho lái xe.
Cũng tại cuộc họp, Đại tá Lưu Thanh Hiệp, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thừa nhận, quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn lỏng lẻo, trong khi Quốc lộ 5 chỉ có 1-2 tổ tuần tra của Cục Cảnh sát giao thông dọc tuyến đường.
Còn theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải Trần Văn Trường, một số doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ kinh doanh vận tải nhưng lại khoán trắng cho lái xe, buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của phương tiện và lái xe...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai mạnh trong quản lý vận tải hành khách, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh trong và ngoài đô thị.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 86 và Thông tư 63 phục vụ hoạt động vận tải. Tháng 6/2015 sẽ quy hoạch mạng lưới vận tải để quản lý luồng tuyến tốt hơn, xã hội hóa đầu tư các bến xe khách nhằm đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Ngoài ra, cách quản lý thiếu thực tiễn như điểm đón trả khách chưa bố trí phù hợp dẫn đến người dân đứng dọc đường bắt xe dẫn đến một số doanh nghiệp, lái xe đi trên đường tranh giành đón, trả khách, đe dọa lẫn nhau.
Chính vì vậy, để chấn chỉnh tuyến hành khách này, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, các đơn vị liên quan cần xác định các điểm dừng, đỗ để đón, trả khách; quy định số lượng khách như thế nào mới được xuất bến; ban hành quy định từ Bộ GTVT với các tỉnh về khai thác thiết bị hộp đen để có sự ràng buộc; tăng cường thanh kiểm tra đột xuất phương tiện lắp đặt thiết bị hoạt động…
Các Sở Giao thông vận tải nơi tuyến xe khách này đi qua có đường dây nóng để người dân phản ánh, đồng thời trong tháng 5/2015 sẽ tiến hành thanh tra toàn diện một số các doanh nghiệp vận tải có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, để có sự chấn chỉnh hoặc tạm thu hồi và tước giấy phép kinh doanh./.