Hà Nội vắng... tiếng ve
Khi cái nắng hè chói chang đường phố, trong những người đang đi như say nắng kia, một số đông chắc hẳn vẫn chưa nguôi ngoai nỗi bực dọc về việc hàng ngàn cây trồng lâu năm đã bị đốn hạ. Những cây cổ thụ tán rộng đã không còn, đồng nghĩa với việc những bầy chim sẻ, những chú ve không còn nơi trú ngụ.
Chúng đi về đâu hay đã chết? Âm thanh của Hà Nội giờ chỉ còn là “bản hòa tấu” khó nghe của tiếng máy khoan, tiếng động cơ ô tô, xe máy chạy trên đường. Dàn nhạc mùa hè đã mất và lũ trẻ con Hà Nội cũng mất luôn thú vui đi trèo sấu, bắt ve.
Với người dân đô thị, chuyện mỗi ngày lưu thông trên đường nhựa, đường bê tông hàng mấy chục cây số bằng xe máy với chiếc mũ bảo hiểm trên đầu là việc thường xuyên và bắt buộc. Và đối với họ, những tán cây là chiếc ô xanh tuyệt vời nhất, che chở cho họ tránh được những tổn hại về sức khỏe, giảm stress khi đường ùn tắc, thậm chí giúp giảm bớt tai nạn giao thông, vốn xảy ra tần suất dày hơn trong những ngày nắng nóng.
Hơn lúc nào hết, bao người dân Hà Nội chung một nỗi nhớ day dứt – nhớ những bóng cây.
Mất mát vì thiếu cây, người bị tai nạn vì đâu?
Người dân giờ không còn được che chở bởi những bóng cây, mà trên đầu họ là… sắt thép, bê tông và cần cẩu, với đủ thứ có thể được cẩu và cả những thứ không cho phép cẩu.
Tính mạng con người luôn bị đe dọa. Nhiều vụ việc mất an toàn lao động gây chết người, thiệt hại tài sản đã liên tiếp diễn ra trên các công trường xây dựng lớn của Thủ đô. Kịch bản hậu tai nạn giống y chang nhau: Đình chỉ, xử phạt, cách chức… Nhưng tai nạn vẫn không dừng, như thứ bệnh đã nhờn thuốc.
Sai sót thường quy về một vài công nhân lao động trực tiếp: Trình độ thấp, sai về kỹ thuật, quy trình… Người ta bắt đầu băn khoăn tự hỏi rằng có nên tin vào những lý do đó không, hay nguyên nhân thực sự chính là sự thờ ơ với tính mạng con người.
Cây xanh bị chặt hạ hàng loạt là để “hy sinh” cho cái gì? Rồi những số phận bất ngờ bị “tai bay vạ gió” mất đi là vì đâu?
Sau khi những công trình đường sắt nội đô đi vào thực hiện, liệu có cần khắc lên đó tên những người đã ra đi, số cây đã bị đốn hạ? Ngay cả đề xuất tưởng như quá cẩn thận của một đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước, là “nên chăng cho tàu chạy trong một cái hộp” – đến nay lại được nhiều người dân cho là một gợi ý đáng suy nghĩ nghiêm túc./.
Sáng 19/5, Thanh tra TP. Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội. “Trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên trước hết thuộc về Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông và các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện, lãnh đạo UBND thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao”, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ. |