Sáng thứ bảy Chuỗm lại tới cái quán cóc quen thuộc đầu phố nhâm nhi ly cà phê đen, cạnh bên đã có hai bác cũng thuộc dừ dừ tuổi, đang cởi mở câu chuyện khá sôi nổi.
Một ông nói:
- Tôi thấy ông lúc nào cũng nói nói là mình chỉ thích làm ăn lớn, ra tấm ra món, chứ không thích “ba cái chuyện lặt vặt”, nhưng tôi lại thấy ông hay… ăn vặt lắm! Có lúc lại còn ăn vặt cả trong giờ làm việc nữa. Các cụ có câu: “Ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”, cứ thế thì làm sao mà làm ăn lớn được?
Ông kia đối đáp: - Tôi hay ăn vặt thì ông lại hay ngáp vặt! Trong lúc làm việc và nhất là khi họp hành, tôi thấy ông là “chúa” ngáp vặt. Nhìn bộ dạng thế biết là ông hay buồn ngủ, cơ thể mệt mỏi, đơn điệu, buồn chán... Vậy thì đó là tố chất cho người biết làm ăn lớn ấy nhỉ?!
- Ông mới chỉ biết một mà không biết hai! Trước đây nhiều người cho rằng ngáp là biểu hiện của sự mệt mỏi, thiếu ô xy… Nhưng hiện nay các nhà khoa học đã nhận định rằng, ngáp là hoạt động kích hoạt quá trình thông xoang, khiến bộ não của con người trở nên thông thái hơn. Mà ông thấy đã thông thái thì làm ăn lớn, làm ăn bé gì đều được tất! Nói thế thôi chứ hay ăn vặt như ông, ngáp vặt như tôi còn dễ chịu hơn nhiều những kẻ chỉ biết khôn vặt!
- Cái này thì tôi đồng ý với ông! Những tay khôn vặt đều mang tính cá nhân hạng nặng. Họ chỉ quan tâm đến cái trước mắt mà không biết cái lợi hại lâu dài. Bởi vì có khi người ta cho rằng nhiều cái khôn vặt cộng lại thành cái khôn lớn mà lại không nghĩ cho kỹ là phải bỏ cái khôn vặt thì mới có chỗ cho cái khôn lớn!
- Đành là vậy, nhưng khôn vặt dẫu sao cũng còn chấp nhận phần nào, chứ… trộm vặt thì không thể chấp nhận được, khó chịu, bức xúc lắm!
- Đúng vậy! Từ xưa các cụ đã dùng từ “quân trộm vặt” để chỉ những kẻ quen thói tắt mắt, thường lúc người ta sơ hở là “chôm”, là móc, khi thì con gà con chó, lúc lại thúng thóc rổ khoai…
- Nói về cái “vặt” thì tôi thấy ngày nay còn một thứ “vặt” nữa còn tệ hại hơn trộm vặt cơ!
- Thứ gì vậy?
- Tham nhũng vặt!
- Nghĩa là…
- Chưa có một định nghĩa chính thức thế nào là tham nhũng vặt, nhưng ta tạm hiểu “vặt” tức là nhỏ bé, không lớn, không nổi đình đám, nhưng thường có, thường xảy ra hàng ngày hàng giờ xung quanh chúng ta.
Tham nhũng vặt là tham nhũng từ những cái nhỏ bé, vặt vãnh nhưng rất phổ biến. Gần đây công luận đã cảnh báo về thực trạng tham nhũng vặt trong xã hội đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Người ta đã nói nhiều đến việc dùng phong bì “bôi trơn” cho bộ máy công quyền, cho những người được coi là “công bộc của dân”.
- Tôi nghe đâu có chuyện ở ngay Thủ đô mà “bôi” rồi nhưng còn chẳng “trơn”!
- Thì đó, khi hành động đưa phong bì “bôi trơn” hay còn gọi là tham nhũng vặt đó đã trở thành một “thói quen” trong xã hội rồi, thì cả người đưa và nhận đều cảm thấy tự nhiên, không chút ngượng ngùng, không thấy tội lỗi. Cái “thói quen” đó chính là một trong những tác nhân làm băng hoại đạo đức, làm đảo lộn các giá trị xã hội. Vì thế, mới sinh ra hàng loạt các loại giả danh cán bộ ngành nọ, con ông kia… để lừa tiền chạy việc của người dân đó thôi.
- Nói vậy thì hóa ra có những cái mang tính “lặt vặt” mà lại là chuyện lớn. Nếu vậy thì không những chỉ phải có biện pháp mạnh tay với “tham nhũng lớn” mà cũng còn cần “vặt ngay, vặt kỹ, vặt trụi” nạn tham nhũng vặt nữa thì mới xong!...
Không biết câu chuyện “vặt” của hai bác kia sẽ còn nối tiếp đến đâu, nhưng đã đến lúc Chuỗm phải về nhà “làm xe ôm” cho bà xã sắm bữa cuối tuần. Vì vậy Chuỗm tôi cũng xin đành ngắt câu chuyện đến đó!./.