Nỗ lực khắc phục hậu quả sau giông lốc
Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trận mưa giông chiều ngày 13/6 theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương có gió mạnh từ cấp 8 đến cấp 9. Mưa không lớn nhưng gió giật cấp 8 đến cấp 9 đã gây hậu quả rất nặng nề cho người, phương tiện và hệ thống cây xanh, lưới điện của Thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành.
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay có 1.398 cây bị gãy, đổ, trong đó các quận nội thành có 998 cây xanh bị gãy, bật gốc, ngoại thành có khoảng 400 cây.
Cũng theo ông Phong, phần lớn cây bị đổ là cây có rễ ăn ngang, rễ nông như xà cừ, muồng, bằng lăng... Trong đó nhiều cây đổ chắn ngang đường ảnh hưởng đến giao thông và an toàn tính mạng của người đi đường.
“Ngay sau cơn giông, lãnh đạo Thành phố và các đơn vị chức năng của Thành phố đã làm hết sức để khắc phục hậu quả nhằm đem lại nhịp sống bình thường cho người dân, cũng như đảm bảo an toàn giao thông, an toàn điện lưới...”, ông Phong chia sẻ.
Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của cơn giông lốc, số lượng cây gãy, đổ lớn nên hiện vẫn còn một số khu vực có cây gãy, đổ chưa khắc phục xong. Hàng loạt cây xanh bị đổ trong vườn hoa, công viên cũng đang được các lực lượng chức năng khắc phục, dự kiến trong ngày hôm nay hoàn thành. Việc khắc phục mất nhiều thời gian vì vừa làm vừa phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Phong cũng cho biết, liên quan đến 2 nạn nhân thiệt mạng trong trận mưa giông, ngay trong chiều ngày 13/6, lãnh đạo UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, ban ngành liên quan kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.
Sẽ xử lí nghiêm việc trồng cây sai quy định
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều cây xanh mới trồng khi bị đổ trong giông lốc lộ nguyên bầu bọc bằng lưới, túi nilon, thể hiện sự cẩu thả, coi thường tính mạng của người dân nếu cây bị đổ. Trách nhiệm thuộc về ai? Và liệu việc cây mới trồng còn nguyên nilon bọc bầu có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây không? Ông Phong cho biết việc này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
 |
Cây xanh mới trồng bị đổ trong giông lốc lộ nguyên bầu bọc bằng lưới, túi nilon.
|
“Việc này Thành phố đã biết và đã có chỉ đạo và Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra lại việc này. Nếu quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây thì sẽ xử lý theo quy định”, ông Phong nói.
Về việc có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hay không, ông Phong cho rằng, việc này phải kiểm tra và khi có kết luận sẽ thông tin cụ thể.
Liên quan đến câu hỏi số tiền thiệt hại trong vụ giông lốc, ông Phong cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của Thành phố đang thống kê và sẽ sớm có thông tin về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi về việc có hay không việc xây dựng các phương án đối phó khi xẩy ra các sự cố lớn như trận giông lốc vừa qua, ông Phong cho biết: "Chúng tôi xây dựng các phương án đối phó trong trường hợp chỉ là 300 cây gãy, đổ nhưng số lượng cây đổ lần này là gần 1.400 cây. Vì vậy, việc khắc phục cần nhiều thời gian".
"Giông lốc đi qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chiếu sáng của Thành phố. Thành phố cũng đã giao cho Sở Xây dựng rà soát lại hệ thống cây xanh để phát hiện và xử lý các cây sâu mục, dễ gãy đổ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão. Sang tháng 7, Sở sẽ báo cáo Thành phố vấn đề này”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cho biết thêm, việc trồng thay thế cây bị đổ, gãy trong trận giông lốc vừa qua còn phụ thuộc vào giống cây, thời gian và điều kiện thời tiết, nếu thuận lợi sẽ làm sớm./.