Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nước sạch. Đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND Thành phố cho biết, nước sạch là vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cử tri tại 13 quận, huyện tại kỳ họp trước và kỳ họp này. Hiện nhiều vùng nông thôn người dân không được sử dụng nước sạch, nhiều dự án nước sạch chậm triển khai.
Theo đó, đại biểu Thùy yêu cầu lãnh đạo Thành phố làm rõ tại sao đến thời điểm này mới có 10.000 hộ dân/ 40.000 hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đã qua thiết bị lọc, còn 30.000 hộ chưa được sử dụng. Vậy Thành phố có giải pháp gì để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh?
Tiếp theo đại biểu Thùy, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) đề nghị Thành phố làm rõ nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND Thành phố là đến hết năm 2015, 100% dân được sử dụng nước sạch. UBND Thành phố đánh giá chúng ta có hoàn thành được chỉ tiêu này không? Nếu không hoàn thành thì vướng mắc do đâu?
Trả lời các chất vấn về vấn đề nước sạch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt thừa nhận, đến hết năm 2014 mới đạt 36,68% người dân Thành phố được sử dụng nước sạch và việc hoàn thành kế hoạch là rất khó.
Về nước sạch nông thôn, theo ông Việt, thời điểm hiện tại Hà Nội có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó có 81 trạm đang hoạt động. Còn 25 trạm thì có 10 trạm đã xuống cấp không hoạt động và 4 trạm dở dang. 11 trạm được đầu tư từ lâu và cũng đã hư hỏng.
Về 6 trạm mới được đầu tư liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và sẽ dùng ngân sách nhà nước, nhưng mới chỉ có tiền hoàn thành chuẩn bị đầu tư, còn nguồn vốn thì hai năm vừa qua chưa bố trí được. Hiện nay, Thành phố đã có thông báo và một số DN đã đăng ký sẽ tiếp nhận để đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hanel.
"Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ vay 100 triệu USD, Hà Nội được bố trí 31 triệu USD từ nguồn vốn vay này để đầu tư vào 7 dự án, trong đó 3 dự án đã khởi công, sẽ cấp nước trong năm 2015", ông Việt cho biết thêm.
Cũng theo ông Việt, với những vùng đặc biệt khó khăn và ô nhiễm nước nghiêm trọng, năm 2012 Thành phố đã bố trí phê duyệt thực hiện 40.000 hộ dân có bể lọc nước, nhưng cho đến nay mới thực hiện được 10.000 bể, còn 30.000 bể thì 2 năm nay không thực hiện được vì chưa có vốn (khoảng 4,5 triệu/bể/hộ chính sách). Như vậy, Thành phố phải bố trí hơn 100 tỷ đồng để lắp đặt thiết bị này cho các hộ dân còn thiếu, nhưng hiện chưa bố trí được vốn, trong thời gian tới Thành phố sẽ sắp xếp, bố trí nguồn vốn phù hợp.
Tái chất vấn về vấn đề nước sạch, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo và các tỉnh bạn đã triển khai, đạt hiệu quả tốt, chỉ tiêu đạt cao hơn Hà Nội. Vậy đâu là nguyên nhân chậm tổ chức triển khai các dự án nước sạch, đặc biệt là việc sử dụng vốn vay ODA cho 7 dự án? "Tôi đề nghị nếu có nguyên nhân chủ quan thì phải làm rõ để khắc phục", đại biểu Mai kiên quyết.
Tuy nhiên Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tọa kỳ họp cho biết vì lý do thời gian có hạn và có nhiều nội dung khác cần chất vấn, nên sẽ trả lời rõ hơn vấn đề này bằng văn bản. Chủ tịch HĐND Thành phố cũng đề nghị UBND Thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung giải pháp quyết liệt, chỉ đạo sát hơn trong việc giải quyết vấn đề nước sạch./.