Theo các quan chức thuộc Cơ quan kiểm soát lũ và giảm nhẹ hạn hán tỉnh Chiết Giang, mưa lớn đã gây sạt lở tại các khu vực ngoại ô thành phố Ôn Châu, nhiều ngôi nhà đã đổ sập đêm 8/8.
Những người chết hoặc mất tích có thể đã bị lũ cuốn trôi hay bị mắc kẹt dưới những ngôi nhà sập. Tại quận Văn Thành, Ôn Châu, lượng mưa trong vòng 24 giờ qua đã lên đến 645 mm, mức cao nhất trong vòng 100 năm qua.
Khoảng 221.900 người ở Ôn Châu bị ảnh hưởng do mưa bão; thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính gần 40 triệu USD.
Tỉnh Chiết Giang hiện đã phải ban bố báo động da cam đối với mưa bão. Bão Soudelor đổ bộ đất liền Trung Quốc lúc 10h đêm 8/8 tại thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến sau đó di chuyển sang tỉnh Chiết Giang và Giang Tây.
Tính đến 7h sáng ngày 9/8, ước tính lượng mưa trung bình tại 16 thành phố và huyện của tỉnh Phúc Kiến đã lên đến 250 mm; trong đó thành phố Phúc Đỉnh là nơi có lượng mưa cao nhất, 501 mm.
Tại thủ phủ Phúc Châu của tỉnh này, nhiều khu vực trung tâm thành phố đã bị ngập nước, hơn 10.000 cây xanh đã bị gãy đổ, giao thông cũng bị đình trệ tại các tuyến phố ngập. Mưa bão cũng làm ảnh hưởng đến nguồn điện cung cấp cho khoảng 2 triệu hộ gia đình, hiện mới chỉ 630.000 hộ đã có điện trở lại. Ba sân bay ở tỉnh Phúc Kiến đã phải đóng cửa, hơn 530 chuyến bay đã bị hủy. Sáu đường cao tốc cũng bị đóng cửa và 191 chuyến tàu tốc độ cao bị hủy. Sau khi bão di chuyển sang tỉnh Chiết Giang và Giang Tây, tỉnh Phúc Kiến đã hạ mức phản ứng khẩn cấp xuống cấp độ 2.
Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc cho biết bão Soudelor sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào đêm 9/8 sau khi di chuyển sâu hơn vào đất liền. Khoảng 163.200 người đã phải di dời khỏi các khu vực ven biển.
Trước đó, bão đã đổ bộ đảo Đài Loan (Trung Quốc) khiến 6 người thiệt mạng, 4 người mất tích và khoảng 380 người khác bị thương. Hiện nửa triệu hộ gia đình tại đây vẫn đang sống trong cảnh mất điện. Ngày 9/8, Đài Loan đã dỡ bỏ cảnh báo bão, tuy nhiên cơ quan thời tiết vẫn dự báo mưa to kéo dài tại phía Nam đảo này.
* Tại Tokyo, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết đã phát hiện một vụ phun trào núi lửa vào lúc 12h15 giờ địa phương (10h15 giờ Việt Nam) ngày 8/8 trên ngọn núi Aso ở Tây Nam Nhật Bản.
Cơ quan này cho biết, đây là lần đầu tiên núi lửa hoạt động trở lại trên ngọn Aso kể từ lần gần nhất diễn ra vào ngày 21/5, với cột khói cao 600 mét. Theo thông báo của cảnh sát, hiện chưa có báo cáo nào về các trường hợp bị thương do núi lửa gây ra. Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản vẫn duy trì báo động ở mức 2 trên thang điểm 5 và đưa ra cảnh báo người dân không nên đến gần khu vực miệng núi lửa.
Mức độ cảnh báo này đã được nâng lên sau một vụ phun trào tương tự hồi cuối tháng 8/2014, theo đó giới hạn khu vực nguy hiểm trong vòng bán kính 1 km quanh miệng núi lửa./.