Tại phiên họp sáng nay, cả phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và VCCI đều kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Trong khi TLĐLĐVN vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất mức tăng là 16%, còn đại diện VCCI lại chỉ đồng ý đề xuất 9 - 10%.
Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cho rằng, năm nay tình hình kinh tế khá hơn thì mức điều chỉnh không thể thấp hơn năm 2015. “Năm ngoái khó như thế mà cũng còn đưa được 14%, tương ứng với 400.000 đồng, năm nay chúng tôi cũng chỉ đề xuất lên 16%”.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, người lao động hiện nay đang sống quá khổ, trong khi tiền lương chính là mấu chốt của năng suất lao động và giữ chân được người lao động. “Công nhân vào doanh nghiệp với hai bàn tay trắng, ra khỏi doanh nghiệp cũng với hai bàn tay trắng”, ông Thọ nhấn mạnh.
 |
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp.
|
Theo khảo sát của TLĐLĐVN về đời sống công nhân công bố hôm 13/8 vừa qua, 92% công nhân cho rằng mức lương 5 triệu đồng/tháng mới đủ sống và 8% còn lại là có dư. “Chúng tôi đề nghị Hội đồng tiền lương Quốc gia và doanh nghiệp phải đến các khu công nghiệp để xem đời sống của công nhân hiện nay, phải làm việc với Tổng cục Thuế xem doanh nghiệp hạch toán chi phí chi trả cho người lao động như thế nào, làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội xem họ đóng bảo hiểm cho người lao động là bao nhiêu”, ông Chính đề xuất.
Trong khi đó, về phía VCCI lại thống nhất chỉ đề xuất mức tăng lương là từ 9 – 10%. Mức tăng này được VCCI đưa ra căn cứ vào mức tăng năng suất lao động theo khảo sát là 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1- 3% trong thời gian qua.
“Chúng tôi thấy rằng mức tăng 10% là phù hợp, đáp ứng khả năng chi trả của doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết.
Với mức đề xuất tăng 16% của TLĐLĐVN, ông Phòng cũng cho rằng, đây là mức tăng vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp có thể phải cắt giảm chi phí, thậm chí là thu hẹp quy mô sản xuất, vô hình chung sẽ đẩy những đối tượng đã có việc làm trở thành những người không có việc làm…
“Chúng tôi đồng ý tăng lương nhưng phải theo lộ trình và phải ở mức phù hợp để doanh nghiệp có thể chi trả”, ông Phòng nhấn mạnh.
Do chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu nên phiên họp đã quyết định tạm hoãn để bàn bạc thêm. Dự kiến phiên chốt sẽ diễn ra vào ngày 3/9 tới.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nếu vào phiên họp lần thứ 3 tới, các bên vẫn không thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng để tiến hành bỏ phiếu, Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ quyết định phương án để trình Chính phủ./.