Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã chia sẻ như vậy tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chiều 15.9.
Tai nạn giao thông đường sắt gia tăng
Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, tính từ ngày 16.11.2014 đến 10.9.2015, trên địa bàn thành phố đã xẩy ra 1.330 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 476 người chết, 1.091 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 164 vụ (10,9%), giảm 14 người chết (2,86%), giảm 294 người bị thương (21,2%).
Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 1.297 vụ làm 450 người chết, bị thương 1.076 người, giảm so với cùng kỳ 165 vụ, giảm số người chết và bị thương... Tuy nhiên TNGT đường sắt lại có chiều hướng gia tăng với 31 vụ, làm 24 người chết, 13 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm 2014 tăng 9 vụ, tăng 3 người chết, tăng 9 người bị thương.
Theo đó, trong những tháng cuối năm, Sở GTVT sẽ tập trung tuyên truyền đến người dân, địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt..., nhằm giảm thiểu TNGT đường sắt.
Cũng theo ông Tân, trong những tháng đầu năm, Sở đã tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm soát và xử lý xe quá khổ, quá tải; tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các tổ chức cá nhân có xe ô tô tự đổ từ 10 tấn trở lên vi phạm kích thước, thành thùng… Theo đó, 9 tháng đầu năm, Sở đã kiểm tra và lập biên bản xử lý 21.094 trường hợp, tước 3.004 giấy phép lái xe; tạm giữ 511 phương tiện; phạt tiền gần 40 tỷ đồng.
Tăng cường xử lý ùn tắc giao thông
Tại cuộc họp, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi về tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố thời gian gần đây, đặc biệt vào giờ cao điểm do liên quan đến các rào chắn để thi công các dự án, đặc biệt là tại 2 dự án đường sắt trên cao chậm tiến độ nhưng vì sao không rút giấy phép? Vị Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 126 công trình đang triển khai thi công. “Rào chắn một số dự án chiếm tới 3/4 lòng đường thì làm sao mà đường không tắc. Tuy nhiên đây là việc bất khả kháng, không ai mong muốn nhưng nếu rút giấy phép sẽ khiến dự án càng chậm tiến độ, càng gây ùn tắc", ông Tân nói.
Phía Sở GTVT cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở các chủ đầu tư, nhà thầu rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xẩy ra. Do vậy, để tạo điều kiện cho các đơn vị thi công tốt rất cần sự thông cảm, chia sẻ của người dân.
Cũng theo ông Tân, trong 9 tháng đầu năm có 183.440 phương tiện đăng ký mới tăng 25.453 phương tiện so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số phương tiện Hà Nội đang quản lý là trên 5,5 triệu xe, trong đó hơn 534.000 ô tô và gần 5 triệu xe máy.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Tân cho biết, phương tiện cá nhân trên địa bàn đang tăng nhanh, đặc biệt là xe ô tô, nhiều người mua ô tô không để sử dụng mà để cho "oai", mất tiền xăng, tiền gửi xe, đi ra đường gây tắc đường.
“Trong xóm nhà tôi có nhà không cần thiết phải mua ô tô nhưng mua một cái xe rất đẹp, gây lãng phí, tăng nguy cơ tắc đường. Tôi nghĩ mua ô tô không phải là mốt, khi thấy thực sự cần thiết mới mua. Vì vậy, thành phố cần có chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu điều này”, ông Tân nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc giá xăng giảm mà các doanh nghiệp vận tải thành phố vẫn chưa giảm giá cước, ông Tân cho biết, tính đến ngày 11.9 đã có 39/89 hãng taxi kê khai giảm giá cước từ 4 đến 12%. Trong tổng số 61 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, đã có 11 đơn vị giảm giá cước, đơn vị giảm nhiều nhất là 11%...
Trong những tháng cuối năm, Sở sẽ tăng cường các biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục tuyên truyền các quy định của thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị”.../.