Tăng trưởng gắn với chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh hại trên người và gia súc trên toàn thế giới, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra và phát triển khá toàn diện; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế.
Đáng chú ý, sau gần 8 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và gần 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã cụ thể hóa đề án thành 13 đề án/kế hoạch cơ cấu lại các lĩnh vực chuyên ngành, các giải pháp và đề án/kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của mỗi địa phương. Từ đó, làm rõ mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp toàn quốc và các địa phương, xác định sản phẩm lợi thế để tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển... Nhờ vậy, nông nghiệp đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, tạo chuyển biến trong thực tiễn, khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương này.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế, nhu cầu thị trường để phân loại và định hướng phát triển theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Kết quả, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm chủ lực, như: lúa gạo (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long); chè (Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng); cà phê, cao su (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ…)... Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và công nhận năm 2019 là 946 sản phẩm; năm 2020 ước sẽ có 2.400 sản phẩm…
Có thể thấy, đến nay sản xuất nông nghiệp đã phát triển lên một tầm cao mới, quy mô và sức sản xuất tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho tiêu dùng trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 190,32 tỷ USD, trung bình đạt 38,06 tỷ USD/năm; năm 2020 ước đạt 42 tỷ USD.
Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), được sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc sát sao của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khả quan, đã lồng ghép được các nội dung, giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đến hết tháng 6/2020, cả nước đã có 5.233 xã (58,9%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 3.701 xã (41,7%) so với cuối năm 2015 và vượt 8,9% so với mục tiêu 5 năm (2016 - 2020)...
Người đứng đầu địa phương cần sát sao để tạo chuyển biến nhanh
Phân tích nguyên nhân chủ yếu để đạt kết quả trên, Bộ NN&PTNT cho biết, công tác tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và quyết tâm cao trong toàn ngành là rất quan trọng từ đánh giá lợi thế, lựa chọn mục tiêu ưu tiên, sản phẩm chủ lực, các giải pháp chính đến chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phù hợp.
Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, phân công trách nhiệm rõ ràng của từng tập thể, cá nhân, đề cao và phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan. “Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở cơ quan, địa phương nào mà người đứng đầu, điển hình một số đơn vị, địa phương là bí thư cấp ủy, chủ tịch tỉnh, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đều tạo chuyển biến nhanh, kết quả rõ ràng” – báo cáo của Bộ NN&PTNT nhận định.
Cùng với đó, động lực cho cơ cấu lại nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất là đem lại lợi ích cho nông dân; do đó cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp tạo tiền đề mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Ngoài ra, cơ cấu lại nông nghiệp là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực, không thể nóng vội, hình thức, thậm chí phải chấp nhận cả tình huống “shock” về tăng trưởng như giảm tăng trưởng ở những lĩnh vực không có lợi thế hoặc điều chỉnh giảm quy mô, sản lượng. Vì vậy, cần tiếp tục ưu tiên hơn nữa vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn; đồng thời thực hiện tốt các chính sách huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nông thôn…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhấn mạnh, Việt Nam cần tái cơ cấu lại, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và đảm bảo liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân để hình thành quy trình khép kín. Từ đó, đáp ứng được các yêu cầu và tận dụng tốt các thị trường.
Vì vậy, trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực; đồng thời khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,71%/năm; năm 2020 ước đạt 2,8%; mặc dù chưa đạt được mức kế hoạch đặt ra, nhưng đã cao hơn so với giai đoạn trước. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,8%/năm, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; năm 2019 đạt 41,4 triệu đồng/lao động, năm 2020 ước đạt 44,5 triệu đồng/lao động, cao gấp 1,46 lần so với năm 2015…
|