Ngày 8/12/2020, Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội.
Có 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn
Nói về tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, huyện có 15km sông Hồng chảy qua, các điểm có giấy phép khai thác cát nhưng đã hết thời gian khai thác từ ngày 1/5/2020, dù các doanh nghiệp đã có giấy phép nhưng chưa hoạt động do chưa xong thủ tục.
Thực hiện chỉ đạo của TP.Hà Nội và huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra xử lý những trường hợp khai thác cát trái phép, Công an huyện chủ động các biện pháp nghiệp vụ. Từ năm 2018 đến nay lực lượng chức năng đã bắt giữ 42 đối tượng vi phạm, tịch thu hàng tỷ đồng, trong đó khởi tố 2 đối tượng; riêng năm nay đã xử lý 7 vụ với 7 đối tượng, xử phạt gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên trong thời gian Covid-19, nhiều đối tượng đã lợi dụng khai thác cát trái phép
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, hiện thành phố có 7 tuyến sông chính giáp ranh với 8 tỉnh, thường có các đối tượng hoạt động khai thác cát lén lút ở các khu vực giáp ranh các địa bàn huyện. Hàng năm, Công an TP.Hà Nội đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị các cấp điều tra cơ bản, qua đó phát hiện 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động, trong đó có 11 giấy phép do UBND thành phố cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Xác định trên các tuyến sông có 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.
Đối với thủ đoạn hoạt động, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, các đối tượng được cấp các mỏ cát để khai thác các bãi nổi; tự ý đưa các tàu khác không đăng ký vào mỏ cát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật thời gian và địa bàn khai thác, chủ yếu là vào ngày nghỉ, ngày lễ của các cơ quan chức năng. Về phương tiện khai thác cát, đối tượng thường sử dụng tàu có ống hút để khai thác cát trái phép, có trường hợp bán cát ngay trên sông. Hầu hết những phương tiện này đều không có đăng kiểm, biển số.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội phát hiện 68 vụ với 140 đối tượng vi phạm khai thác cát sỏi lòng sông, tạm giữ 84 phương tiện tàu thuyền, xử phạt hành chính 49 vụ với 1,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 2 vụ…
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, thành phố đã có kế hoạch để việc khai thác cát, sỏi đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong quá trình dài, do công tác triển khai thực hiện qua các thời kỳ, do cơ chế chính sách, quy định của Nhà nước ban hành có sự chồng chéo, đan xen nhau, trong khi có sự cung cầu, nên người dân, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, sự buông lỏng quản lý để khai thác trái phép, dẫn đến Nhà nước thất thu, nhân dân bức xúc, tạo dư luận không tốt.
Phối hợp với 8 tỉnh để ngăn chặn nạn 'cát tặc'
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, thời gian tới, Công an TP.Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp các tỉnh giáp ranh trong việc đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép, cũng như tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm.
Đối với các điểm khai thác cát trái phép còn tồn tại, Công an TP.Hà Nội cũng cam kết trong phạm vi trách nhiệm của mình, không để lực lượng khai thác cát trái phép trên sông. Các bến, bãi thuộc chính quyền các quận, huyện, thị xã quản lý, đề nghị phối hợp, tăng cường xử lý.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thêm, UBND thành phố đã ban hành các quyết định về: Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030; về quy định quản lý hoạt động khoáng sản; quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản...
Hằng năm, thành phố đều có kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý tại địa phương cũng như Công an TP.Hà Nội còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt. Luật định của các ngành liên quan chưa thống nhất.
Để khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, tới đây, thành phố kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông để kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng quy định (NĐ 23). Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và khai thác khoáng sản.
Ở góc độ cơ quan giám sát, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện Nghị định 23, UBND TP.Hà Nội cần rà soát ngay việc thực hiện các quyết định phân công phân nhiệm, có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu những nơi để xảy ra tình trạng này... Cùng với đó, cần sớm phê duyệt quy hoạch các bến thủy nội địa, trạm trung chuyển vật liệu xây dựng; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp với 8 tỉnh, xem trách nhiệm của các bên, để phối hợp chặt chẽ hơn./.