Nhưng cũng vì chưa bận rộn với công việc thu hoạch lá dong, nên chúng tôi đã được người dân nơi đây dành nhiều thời gian để trò chuyện về công việc làm ăn, buôn bán, về cái nghề đã có hàng trăm năm ở mảnh đất này.
Truyền thống lâu đời
Cũng khá lâu rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Tràng Cát. Cách đây 5 năm, tôi và vài người bạn cũng đã có dịp về đây, nhưng không phải để viết bài, mà để cảm nhận không khí Tết của một làng nghề trồng lá dong truyền thống. Trở lại “làng lá dong” lần này, tôi muốn tìm hiểu xem vì sao lá dong Tràng Cát lại nổi tiếng khắp cả nước như vậy. Và liệu rằng nghề trồng lá dong có bị biến mất, nhường chỗ cho các loại cây trồng khác như nhận định của nhiều người.
 |
Dọc hai bên đường làng là những vường lá dong xanh mướt. Ảnh: MN. |
Sau nhiều vòng dạo quanh làng, mục sở thị những ruộng lá dong xanh mướt, chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Rỡ, một người dân đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tràng Cát. Bà Rỡ năm nay đã 77 tuổi, mắt còn sáng, tai còn thính, trí nhớ vẫn rất tinh tường. Mở đầu câu chuyện, bà Rỡ nói: “Lá dong quê tôi có từ lâu lắm rồi. Khi tôi sinh ra, lớn lên đã thấy bố mẹ tôi trồng lá dong ngoài vườn. Cứ mỗi dịp lễ tết, tôi lại cùng mẹ ra vườn hái lá dong về gói bánh. Sau này, khi kinh tế phát triển, lá dong được nhiều gia đình trồng cả ở ngoài ruộng, trở thành hàng hóa như ngày hôm nay”.
Không nhớ chính xác lá dong được trồng từ khi nào, nhưng bà Rỡ vẫn nhớ câu chuyện lịch sử của làng mình. “Ngày xưa làng tôi có tên là làng Mai Cát, sau này mới đổi thành Tràng Cát. Ngôi đình làng đã hơn 600 năm tuổi, cũng là nơi thờ Thành hoàng làng đã có công khai phá ra mảnh đất này và mang cây lá dong về trồng”.
Lá dong xuất ngoại
Là thế hệ hậu sinh, chị Phạm Thị Hoa, xóm Đình, thôn Tràng Cát tỏ ra rất tự hào khi nói về sản phẩm truyền thống của làng mình: “Nói đến lá dong Tràng Cát thì nhiều người biết. Không chỉ nổi tiếng trong nước, lá dong làng tôi còn được nhiều thương lái tìm mua để xuất khẩu đi nước ngoài. Hiện gia đình tôi đã có người đặt 5.000 lá để xuất đi Hàn Quốc với giá 100 nghìn đồng/bó (mỗi bó 100 lá - PV)”.
Không chỉ trực tiếp trồng lá dong nhiều năm nay, gia đình chị Hoa còn là một trong những hộ buôn bán lá dong vào loại lớn nhất làng, vì thế nên chị Hoa rất hiểu vì sao lá dong làng mình lại nổi tiếng như vậy. “Sở dĩ lá dong Tràng Cát nổi tiếng là nhờ những đặc điểm rất riêng, không nơi nào có được. Lá dong ở đây có bầu lá to, dày, lá có màu xanh nên khi gói bánh cũng có màu xanh rất đẹp mắt, mùi thơm của lá, của gạo nếp tạo thành một hương vị rất đặc trưng mà không lá dong nơi nào có thể sánh được” - chị Hoa nói.
Cũng theo chị Hoa, vài năm trở lại đây nhiều gia đình đã bỏ lá dong để trồng cam Canh vì có thu nhập cao hơn, nhưng nghề trồng lá dong của Tràng Cát không thể mất được. “Có thể trồng cam cho giá trị kinh tế cao hơn, nhưng không bền vững vì loại cây ăn quả này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, có năm được năm mất, không bền vững như cây lá dong. Hơn nữa lá dong là cây trồng truyền thống, gắn bó với người dân nhiều đời nay, nó đã ngấm vào máu của mỗi người dân chúng tôi. Vì thế tôi tin rằng, cây lá dong sẽ không thể biết mất ở vùng đất này” – chị Hoa khẳng định.
 |
Chị Phạm Thị Hoa đang chuẩn bị hàng để giao cho khách. Ảnh: MN. |
Để minh chứng cho nhận định của chị Hoa là đúng, anh Nguyễn Hữu Nghĩa - chồng chị Hoa cho biết, hiện gia đình anh vẫn đang sống bằng nghề trồng và buôn bán lá dong. “Gia đình tôi năm nay trồng 4 sào lá. Hằng ngày tôi vẫn dậy sớm để giao lá cho các nhà hàng gói bánh trong nội thành. Vì mua tận gốc, bán tận ngọn nên mỗi sào cũng kiếm được 17 -18 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi năm cũng khoảng 60 - 70 triệu đồng, đủ để trang trải cho sinh hoạt gia đình” - anh Nghĩa chia sẻ.
Mặc dù lá dong Tràng Cát năm nay mất mùa, nhưng theo nhận định của chị Hoa thì lá dong sẽ không bị “cháy” hàng như những năm trước. “Không thể nói trước được lá dong sẽ đắt hay rẻ, vì còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Hiện nay giao thông đi lại thuận tiện, lá dong rừng được vận chuyển từ các tỉnh miền núi về xuôi bán nên nhiều khả năng lá sẽ không đắt. Tuy nhiên, lá dong Tràng Cát vẫn rất dễ bán do khách hàng ưa chuộng” - chị Hoa nói.
Kết thúc câu chuyện, chị Hoa mời chúng tôi nếu có thời gian hãy quay trở lại thăm Tràng Cát vào những ngày cận Tết, khi đó không khí Tết ở đây sẽ rất sôi động. Và đương nhiên, chị sẽ tặng chúng tôi một món quà đặc biệt, đó là lá dong Tràng Cát. Dời Tràng Cát, chúng tôi thật sự cảm thấy ấm áp. Không phải chỉ bởi tấm lòng của chị Hoa, mà vì những câu chuyện của người dân Tràng Cát đã cho chúng tôi một niềm tin, rằng lá dong Tràng Cát sẽ không thể biến mất khỏi mảnh đất này./.