Đây là hai đề xuất được chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim, cựu Giám đốc Ngân hàng Bang Vaud, Thuỵ Sĩ đề cập trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về kinh tế Việt Nam năm 2015.
* Thưa ông, xin ông đôi nét đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm qua ?
- Chúng ta đã có nhiều bài thống kê, báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế Việt Nam. Ở đây, tôi xin không nhắc lại mà chỉ đưa ra góc nhìn khách quan từ bên ngoài. Nhìn lại năm 2014, câu hỏi đặt ra là chúng ta đã làm được những gì?
Phương án VAMC được đưa ra để chữa trị nợ xấu, nhưng cách làm này vẫn chỉ có tính cách hình thức, sửa bảng cân đối cho bớt xấu. Nhưng mặt khác, chúng ta lại giám sát chặt chẽ hơn, đưa ra những quy định mới để phân loại nợ xấu, cuối cùng lại lộ thêm những khoản nợ xấu mới. Thực tế khi suy thoái kinh tế kéo dài, tất nhiên nợ xấu sẽ gia tăng. Nếu ngân hàng muốn tự cứu chỉ có cách, một là bỏ thêm vốn, hai là lấy lợi nhuận bù đắp. Kêu gọi vốn quốc nội thì rất khó vì các đại gia đã hết tiền, tiền hiện đang nằm trong địa ốc và hàng tồn kho. Nếu họ đầu tư vào ngân hàng thì cũng nên xét kỹ lại ý đồ của họ có thực sự đầu tư hay lại một chiêu "đi đêm" mới và như vậy sẽ không có tiền thực.
Việc sắp xếp, sáp nhập lại một số ngân hàng yếu kém đã giải quyết được vấn đề thanh khoản của những ngân hàng này, nhưng thực tế từ khi kinh tế chuyển hướng, tiền gửi của dân cư tăng đều đều và cho vay chậm. Vì vậy, chính thị trường đã giải quyết vấn đề thanh khoản chứ không phải là kết quả của sáp nhập. Sáp nhập giải quyết được sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng nhưng vẫn còn những chồng chéo khác. Tóm lại 8 ngân hàng đã thực hiện sáp nhập chỉ được "băng bó sơ sài" và họ lại tiếp tục đi tiếp, dẫn tới nguy cơ đổ vỡ.
Chương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN dù đã được tăng tốc trong năm nhưng những vấn đề cốt lõi là đổi mới quản trị, giảm phụ thuộc vào ngân sách vẫn chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực cũng cần được đánh giá kỹ là lạm phát giảm nhanh, GPD vượt chỉ tiêu và xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Chính phủ được đánh giá rất cao khi đưa lạm phát giảm mạnh xuống mức 4,09%. Tuy nhiên, vấn đề mới là phải ngăn hiện tượng "giảm phát", bước ngoặt nguy hiểm của những nền kinh tế đi vào con đường suy thoái kéo dài. GDP và xuất khẩu gia tăng theo phân tích của Bộ Công thương là phần lớn nhờ vào khối DN FDI. Giá trị xuất khẩu của Samsung hiện cao hơn xuất khẩu gạo. Cũng cần thận trọng với chiến lược ‘tối ưu hóa thuế má’ mà các công ty đa quốc gia đều áp dụng.
* Vậy bước sang năm mới 2015, chúng ta sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thưa ông?
- Từ bên trong, điểm thuận lợi quan trọng nhất là sự đồng lòng từ trên xuống dưới về việc phải tái cơ cấu và vực dậy nền kinh tế. Nghị quyết 86 của Quốc hội tỏ rõ ý chí phải thực hiện một cách cụ thể trong năm 2015 về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng. Nhưng để thực hiện được thì không chỉ ý chí là đủ mà còn tùy thuộc vào năng lực con người và nhất là khả năng tài chính.
Từ bên ngoài, điểm thuận lợi là khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện được các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm. Phong trào "China Plus", xu hướng tìm kiếm một quốc gia có điều kiện sản xuất thuận lợi như Trung Quốc trước đây đã lan tràn. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được coi là nơi tốt nhất để thay thế Trung Quốc làm "công xưởng thế giới". Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để thu hút FDI, nhất là khi ta đã có những trải nghiệm thành công của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel,…
Về đầu tư tài chính, các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng đổ tiền vào Việt Nam. Tăng trưởng GDP 5,98%, lạm phát 4,09% là những chỉ số vàng cho các nhà đầu tư và rất cạnh tranh so với các quốc gia trong vùng, vì chúng ta có tình hình chính trị ổn định. Nhưng còn cần phải mở rộng thị trường, xóa bỏ những rào cản hành chính vì đối thủ của ta đang có những bước tiến lớn (hợp nhất chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải, hợp nhất chứng khoán Thái Lan, Malaysia và Singapore trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN).
Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng tạo điều kiện thuận lợi để mở mang thị trường xuất khẩu, nếu DN nước ta biết nắm bắt cơ hội và có khả năng tài chính phù hợp.
Năm 2015, nếu hiệp định TPP được ký kết thì phải đến năm 2016 mới có những tác động đầu tiên và 2015 là năm ta phải hoàn tất công đoạn sửa soạn. Các hiệp định thương mại là "con dao hai lưỡi" mà nếu không chuẩn bị đúng thì cơ hội sẽ trở thành nguy cơ đang chờ đợi.
Cùng với thuận lợi, một nguy cơ với nền kinh tế trong năm 2015 là giá dầu thô thế giới giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, đến GDP và ở mức độ nào đó sẽ phải cân nhắc hoạt động khai thác dầu. Một nguy cơ nữa là mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào Trung Quốc. Những biến đổi của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Khi đã ký kết TPP, hàng xuất khẩu của ta, nếu nguyên phụ liệu, xuất xứ không phải trong khối thì sẽ không được miễn giảm thuế.
Đối với trong nước, nguy cơ đến từ hệ thống ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế. Nếu muốn tái cơ cấu, vực dậy nền kinh tế thì trong năm 2015 phải cơ cấu thực sự hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và tạo những điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn. Vấn đề thứ hai cần giải quyết là nền hành chính phức tạp, thái độ ‘xin cho’ của quan chức nhà nước và thông lệ «bôi trơn», «phong bì » cần phải loại bỏ. Nếu còn hiện tượng này thì không thể có kinh tế thị trường và tất cả những cố gắng vực dậy nền kinh tế cũng sẽ vực dậy lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.
* Theo quan điểm của ông thì chúng ta nên làm gì trước tiên để tranh thủ những thuận lợi cho phát triển kinh tế trong năm mới này?
- Dựa trên thuận lợi hiện tại là lạm phát ở mức 4,09%, điều đầu tiên nên làm là hạ lãi suất xuống mức cạnh tranh với các nền kinh tế khác.
Cùng với hạ lãi suất, quan trọng hơn là làm sao để DN, người dân tiếp cận được nguồn vốn. Muốn vậy phải tháo được cái ách nợ xấu của ngân hàng, còn nợ xấu chẳng ngân hàng nào dám cho vay. Để xử lý nợ xấu ta phải từ bỏ những phương án thuần kế toán và đổ tiền "thật" vào. Kêu gọi vốn nước ngoài là một phương án rất khả thi trong tình hình hiện tại nếu ta biết cách thu hút nguồn vốn này.
Vốn nước ngoài, không chỉ giúp giải quyết tái cấu trúc ngân hàng mà cũng là phương án để tái cấu trúc DNNN, giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi là sự phụ thuộc vào vốn ngân sách và hạn chế trong quản trị. Kêu gọi vốn nước ngoài cũng là phương án để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, nhất là những bất động sản đang cầm cố ở ngân hàng.
Tóm lại vốn nước ngoài hiện rất cần thiết cho chúng ta. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên đợi các nhà đầu tư đến gõ cửa giao tiền mà phải đi "bán hàng", phải có hẳn chiến lược tiếp thị. Như mọi chiến lược tiếp thị, chúng ta phải định ra khách hàng mục tiêu, phân loại mặt hàng và truyền thông để bán hàng. Chính phủ có thể giao công việc này cho một tổ công tác, phối hợp những ban, bộ liên quan, với quyền hạn đặc biệt để có thể đề xuất và tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện chiến lược tiếp thị.
Nếu thực hiện được hai đề xuất trên, có lẽ chúng ta sẽ đi được một quãng đường rất dài trong công cuộc tái cấu trúc và vực dậy nền kinh tế quốc gia.
* Xin cảm ơn ông./.