Khủng hoảng chính trị không làm quên đi Tết của Dân tộc
Nguyễn Thị Ninh, Thành phố Khakov – Ukraina
Mọi năm, nhà mình cũng làm Tết Truyền thống y như ở Việt Nam, cũng gói bánh chưng, làm các món ăn Việt như: giò xào, nem, miến... Còn năm nay do ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị, nhà nào hầu như cũng theo chủ trương tiết kiệm vì giá USD cao, đồng Grivna (đồng tiền của Ukraina) mất giá nên đồ ăn và mọi thứ đều đắt đỏ.
Nhưng Tết thì bà con vẫn tổ chức đầy đủ để cho thế hệ trẻ bây giờ không quên được Tết truyền thống của dân tộc. Bên này đón giao thừa lúc 7h tối, lúc đó ở Việt Nam là 12h đêm. Thắp hương, cả gia đình cùng nhau xong phá cỗ, chúc tụng nhau, sau đó sẽ đi chúc tết mấy người quen ở gần nhà.
Ở Khakov có Chùa Trúc Lâm. Sau giao thừa bà con cũng hay vào thắp hương cầu chúc cho một năm mới tốt lành. Năm mới, mình mong đất nước Ukraina sẽ ổn định để công việc của người dân được suôn sẻ.
Tết là lúc được sum vầy cùng nhau
Nguyễn Anh Tuấn, Thành phố Ostrava, Cộng hòa Séc
Ở thành phố của tôi sinh sống, người Việt chia thành từng khu và ngày Tết mọi người thường tập trung ở một khu nhà hàng để cùng nhau đón Tết. Tết bên này, mọi người cũng gói bánh chưng và làm các món ăn truyền thống của dân tộc. Những nguyên liệu thì được mua ở chợ Sapa Praha- chợ của cộng đồng người Việt tại Séc.
Giao thừa ở Việt Nam là khoảng 6h tối ở Séc. Lúc này mọi người cũng đã đi làm về nên cùng nhau sum họp tại một nhà hàng, tổ chức đốt pháo hoa đón giao thừa và ăn uống, vui chơi, chúc tết nhau. Tôi cũng cảm thấy rất vui và phấn chấn mỗi khi sắp đến tết, dù khi đó rất nhớ nhà. Năm mới, tôi mong ước công việc sẽ thuận lợi hơn, mọi người dồi dào sức khỏe và gặp nhiều may mắn.
Tết không thể thiếu bánh chưng tự gói
Nguyễn Thị Dịu, Thủ đô Matxcơva, CHLB Nga
Mình đã đón 5 cái Tết xa nhà. Dù rất “thèm” không khí Tết ở quê nhà nhưng vì cộng đồng lưu học sinh Việt Nam ở đây cũng tự tổ chức năm mới nên cảm giác nhớ nhà mỗi dịp Tết đến cũng nguôi ngoai.
Công tác chuẩn bị năm mới bao giờ cũng được lên kế hoạch trước đó 2-3 tuần. Để có cây hoa đào, hoa mai xinh xắn, trước Tết khoảng 2 tuần các bạn nam sẽ vào rừng chọn về một cành cây “có vẻ giống” cây đào hoặc mai ở nhà, để các bạn nữ khéo tay sẽ dùng giấy màu cắt thành hoa đào hoặc hoa mai rồi gắn lên cây, trông rất giống cây thật.
Tết không thể không có bánh chưng. Sinh viên chúng mình tự tay gói bánh, nấu bánh. Vui nhất là cảm giác chờ đợi bánh chín. Lúc vớt bánh ra, mọi người hò reo cứ như ngư dân đánh được mẻ cá lớn. Cảm xúc lúc vớt cái bánh đầu tiên thật xúc động, chỉ ngắm bánh thôi mà ai cũng vui. Hơi nóng bốc lên từ rổ bánh vừa vớt thật kỳ diệu, đã mang bọn mình về gần với quê hương hơn.

Các lưu học sinh Việt Nam đón Tết tại ký túc xá ở Nga
Tự xông nhà ngày Tết
Vũ Kỳ Duyên- Thành phố Kraków, Ba Lan
Kraków không phải Thủ đô như Warszawa nên cũng ít người hơn. Người Việt ở đây không nhiều, khoảng trên dưới 1.000 người, chủ yếu buôn bán và mở quán ăn.
Ngày Tết cổ truyền, nhà mình cũng làm các món ăn truyền thống của người Việt. Riêng có cây đào, cây quất thì bố mình sẽ tự làm. Cành đào thì bố tận dụng ngọn của cây thông bày Giáng sinh hoặc cành mận và dùng keo gắn thêm hoa giả.
Tết năm nào mình cũng tự xông nhà. Bố mẹ ở nhà, còn con cái gần giờ Giao thừa sẽ xuống đường mua một bó hoa, một cây hoa lan, gạo và muối rồi về xông nhà luôn. Ra giêng hàng năm sẽ có các vị sư từ Séc và Warszawa về Kraków để làm lễ đầu năm cho cộng đồng người Việt ở Kraków.
Mình mong năm mới mọi người làm ăn buôn bán tốt hơn, thuận lợi hơn để có điều kiện về Việt Nam ăn Tết./.