Năm 2015 tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện, than, xăng dầu, dịch vụ công. Trong đó, việc điều hành giá phải theo hướng công khai, minh bạch, đem lại lòng tin cho người tiêu dùng, qua đó cũng giảm áp lực lạm phát do tâm lý. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn TBTCVN trước thềm năm mới 2015.
* Thưa Thứ trưởng, lạm phát năm 2014 đã tăng thấp nhất trong 13 năm qua, trong đó có đóng góp quan trọng từ công tác quản lý – điều hành giá của Bộ Tài chính. Đâu là những kết quả mà Thứ trưởng thấy hài lòng nhất?
- Kết thúc năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,84%, mức thấp nhất kể từ năm 2002 đến nay.
Lạm phát thực tế chỉ bằng hơn ½ dự báo cả năm có nguyên nhân khách quan là giá dầu thế giới giảm sâu, kéo theo các mặt hàng khác như thực phẩm, dịch vụ và nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào nhập khẩu cũng giảm theo.
Tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng hơn là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, và sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong kiểm soát lạm phát. Trong đó, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới 19 tỉnh, thành phố có mức tăng CPI năm 2013 cao hơn mức tăng chung của cả nước tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cùng với đó là việc thực hiện tốt quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiếu yếu như: điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, đã đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Một yếu tố khác tôi cho rằng cũng rất quan trọng. Đó là việc đảm bảo các cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường cơ bản đã đi đúng lộ trình đặt ra. Điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu ngày càng theo hướng công khai, minh bạch hơn, đem lại lòng tin cho người tiêu dùng, qua đó cũng giảm áp lực lạm phát do tâm lý.
* Lần đầu tiên giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm nhờ biện pháp áp dụng giá tối đa đối với các sản phẩm này trong thời hạn 1 năm. Đây là một thành công lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong năm 2014. Tuy nhiên sau ngày 31/5/2015, biện pháp này sẽ hết thời hạn áp dụng, vậy Bộ Tài chính đã có chuẩn bị chính sách như thế nào trong thời gian tiếp theo, thưa Thứ trưởng?
- Như chúng ta đã biết, triển khai Nghị quyết 29/NQ-CP ngày 2/5/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá bán trước khi Nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá, với tỷ lệ giảm khoảng 0,1% - 34%.
Trong thời gian tới, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm sữa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa.
Biện pháp tiếp theo được Bộ Tài chính chú trọng là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để rà soát, bổ sung vào danh mục sản phẩm sữa và danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi làm căn cứ thực hiện bình ổn giá. Tiếp nhận, rà soát và đăng thông tin về các mặt hàng sữa đăng ký mới, thay đổi bao bì, quy cách để các cơ quan quản lý giá, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện bình ổn giá.
Sau khi hết thời hạn 12 tháng thực hiện bình ổn giá với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các biện pháp cụ thể.
* Được biết, Bộ Tài chính đã có văn bản chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá đối với sản phẩm sữa. Vậy cơ sở cho kiến nghị này là gì, thưa Thứ trưởng?
- Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng: Dù giao cho Bộ nào chủ trì thì cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương. Việc Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương là cơ quan chủ trì thực hiện quản lý về giá đối với sản phẩm sữa là phù hợp với quy định của Luật Giá cũng như thực tế việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua.
Luật Giá đã quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, và các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ của ngành mình.
Trong thời gian vừa qua, để quản lý giá sữa, đặc biệt đối với mặt hàng sữa nhập khẩu thì vai trò của Bộ Công thương rất quan trọng, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường. Với hệ thống tham tán thương mại ở các nước nên Bộ Công thương có đầy đủ thông tin về giá nhập khẩu của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới.
Bộ Công thương cũng là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ đàm phán các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế, các thỏa thuận mở rộng thị trường giữa Việt Nam và các nước, nên hiểu rõ để cân nhắc đến lợi ích cũng như những hạn chế khi thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường trong nước.
Quan trọng hơn, Bộ Công thương quản lý từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ và kiểm soát thị trường thông qua cơ quan quản lý cạnh tranh và quản lý thị trường nên là đơn vị có đủ các điều kiện có thể xác định, ngăn chặn phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bình ổn thị trường đối với mặt hàng sữa.
* Kiểm soát lạm phát tiếp tục là định hướng lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2015. Vậy, thưa Thứ trưởng, những định hướng lớn sẽ được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2015 là gì để đạt được mục tiêu này?
- Mặc dù áp lực lạm phát từ thị trường thế giới và trong nước năm 2015 không quá cao, nhưng cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao từ tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2014 và tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến bất thường. Do đó, đòi hỏi cần quyết liệt và có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc Bộ, ngành quản lý. UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, trước mắt là đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục điều hành giá xăng dầu, giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành giá than bán cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế, khám chữa bệnh theo quy định...
Trước mỗi trường hợp phải điều chỉnh giá cần xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Một nội dung cũng quan trọng không kém, đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!