Những dấu ấn quan trọng
Trong năm qua, chính sách mở cửa hội nhập nói chung và hội nhập tài chính được đánh giá là có bước đi hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Hội nhập tài chính đóng góp đáng kể vào công cuộc cải cách kinh tế đất nước, thể hiện ở việc cải cách doanh nghiệp (DN) trong nước; tăng trưởng thương mại và cải hiện được môi trường đầu tư...
Với nền tảng hội nhập kinh tế các giai đoạn trước, đến thời điểm 2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu.
Ngoài việc thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam tiếp tục tham gia đàm phán 7 hiệp định mới. Ngoài ra, chúng ta còn tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và thế giới khác nhau. Các hoạt động hợp tác tài chính tiếp tục tập trung khai thác các sáng kiến hiện thời, tham gia sâu và rộng vào các chủ đề hợp tác, đã đạt đươc những kết quả hợp tác cụ thể và thiết thực, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác tài chính khu vực, như hợp tác ASEAN và ASEAN+3, hợp tác APEC, EAS và G20.
Quỹ Bảo lãnh và đầu tư ASEAN + 3 (CGIF) lần đầu tiên phát hành bảo lãnh một DN tư nhân của Việt Nam (Công ty Masan) huy động vốn trái phiếu thành công trên thị trường vốn, với tổng trị giá 2,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 8%/năm. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng của hợp tác tài chính, chứng tỏ khả năng của DN Việt Nam, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế về nền kinh tế và sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.
Việc Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN phê duyệt khoản vay đầu tiên cho một dự án của Việt Nam, với tổng trị giá 100 triệu USD, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác tài chính với ASEAN, ASEAN +3; đồng thời cho thấy, cơ chế hợp tác tài trợ cơ sở hạ tầng ASEAN đã phát huy hiệu quả, trong việc tài trợ vốn và đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam; góp phần huy động nguồn lực từ hợp tác khu vực vào phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2014, Bộ Tài chính đã chủ trì đón tiếp và làm việc với các đoàn lãnh đạo cao cấp của Lào, Đức, Myanmar,… Lãnhđạo Bộ Tài chính cũng đã tiếp và làm việc với Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ,… đồng thời có các chuyến thăm và làm việc song phương tại các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Ba Lan, Mông Cổ, Cu Ba, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ kỳ, Hy Lạp, UAE, Thụy Sỹ,…
Lãnh đạo Bộ Tài chính đã tiếp và tổ chức đối thoại với cộng đồng DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại EU, các đoàn DN lớn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sỹ,… đến tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các cuộc đối thoại với DN về biện pháp tài chính, hỗ trợ cho các DN FDI đã giúp họ hiểu thêm về bối cảnh ban hành chính sách; quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường minh mạch, lành mạnh; đồng thời củng cố lòng tin của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực tài chính, thể hiện mong muốn hỗ trợ cho lĩnh vực cải cách DN nhà nước, cải cách chi tiêu công; hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính, sửa đổi Luật Ngân sách; tăng cường năng lực tài chính ngành Thuế, ngành Hải quan; hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý quản lý thị trường…
Phát huy khả năng chủ động, tích cực
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm khẳng định: “Tài chính có vai trò quan trọng đảm bảo cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ bao gồm các nội dung thực hiện cam kết tự do hoá thương mại, đầu tư và cam kết tuân thủ các chuẩn mực quốc tế chung của WTO, khi điều hành chính sách trong nước đối với các lĩnh vực như thuế nhập khẩu, trị giá tính thuế và các vấn đề về dịch vụ tài chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, về hỗ trợ tài chính, mua sắm chính phủ,... Hội nhập còn đồng thời phải đảm bảo tính ổn định, bền vững của khu vực tài chính, qua đó đảm bảo tính ổn định cho toàn bộ nền kinh tế”.
Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu khi ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế khu vực, các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường; triển khai thực hiện một số hiệp định vừa ký kết và gấp rút để đàm phán kết thúc các hiệp định quan trọng khác, như: Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU và Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để hội nhập tài chính có thể thành công đòi hỏi quá trình này phải được quan tâm, đẩy mạnh theo hướng nới lỏng dần, tiến tới tự do hoá các chính sách và thể chế tài chính, tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ cho quá trình tiếp cận về thương mại và đầu tư cho các nhà đầu tư trong tiến trình hội nhập kinh tế.
Với sự chuẩn bị chu đáo, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo và thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương, chắc chắn quá trình hội nhập tài chính quốc tế sẽ thành công./.
5 NỘI DUNG TRỌNG ĐIỂM ĐẢM BẢO HỘI NHẬP CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH
1.Cải cách cơ chế quản lý ngân sách.
2. Tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp
3.Cải thiện môi trường đầu tư, trong đó, ngành ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thuế, giá và phí, lệ phí theo hướng tạo điều kiện thu hút đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài...
4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, thực hiện tự do hoá thương mại đặc biệt, lộ trình xóa bỏ dần bảo hộ, đảm bảo tính trung lập, minh bạch trong chính sách về thuế nhập khẩu; hướng sẽ không còn phân biệt đối xử.
5.Đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính và nâng cao năng lực của bộ máy điều hành trong nước theo kịp đòi hỏi của tiến trình hội nhập.
|