Ấn tượng lãi suất
Kết quả ghi nhận được rõ nhất trong năm qua là lãi suất ngân hàng giảm liên tục từ đầu năm, đưa mặt bằng lãi suất về tương đương giai đoạn 2005 – 2006. Lãi suất huy động hiện ở mức 5 – 7%/năm, lãi suất cho vay dao động từ 7 – 9%/năm với ngắn hạn và 9 – 11% cho trung và dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 1,5 điểm phần trăm so với đầu năm đã có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, tiền gửi vẫn tăng mạnh dù lãi suất giảm.
Trong năm, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đặt ra là trong khoảng 12 – 14%, tính chất “dồn cục” vào cuối năm đã giảm bớt. Thanh khoản ngân hàng dồi dào. Thị trường tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Thị trường vàng trong năm qua cũng được bình ổn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn phải tổ chức đấu thầu vàng ra thị trường như năm 2013.
Cùng với đó, chất lượng tài sản của hệ thống cải thiện, các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, áp lực suy giảm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng giảm bớt. Các công ty tài chính được tích cực sắp xếp, cơ cấu lại.
Nợ xấu mặc dù vẫn tiếp tục là điểm nóng với xu hướng tăng nhanh nửa đầu năm, từ mức 3,6% cuối năm 2013 lên mức 4,17% trong tháng 6, tuy nhiên tỷ lệ này sau đó đã giảm dần và NHNN đã tự tin đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3% vào cuối năm 2015.
Bước ngoặt Thông tư 36
Trong năm, NHNN cũng tập trung nhiều vào việc xây dựng thể chế, văn bản pháp luật để tăng cường quản lý, giám sát và tiến gần hơn tới thông lệ quốc tế. Đặc biệt, sau nhiều chờ đợi, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được ban hành và được coi là một bước tiến về mặt pháp lý để siết lại sở hữu chéo và cho vay cổ đông nội bộ, nâng cao an toàn hệ thống theo hướng sát hơn với những chuẩn mực quốc tế.
So với quy định hiện hành là Thông tư 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 36 hạn chế thêm việc các ngân hàng mua cổ phần lẫn nhau, qua đó được kỳ vọng giảm tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng đồng thời giảm tình trạng tăng vốn điều lệ ảo của ngân hàng nhằm đáp ứng các quy định về vốn và các tỷ lệ an toàn tối thiểu có liên quan do NHNN đặt ra.
Cùng với ổn định vĩ mô được cải thiện, các yếu tố trên đã góp phần giúp nâng điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam trong con mắt của thị trường tài chính quốc tế. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s trong tháng 12 đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tiêu cực” lên “ổn định” và dự báo mức độ tin cậy về khả năng trả nợ của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam sẽ tốt hơn trong vòng 12-18 tháng tới.
Các vụ “đại án”
Năm qua, ngành Ngân hàng còn thu hút sự chú ý bởi nhiều sự việc liên quan đến pháp luật. Trước tiên là việc xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như. Các phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí với nhiều vấn đề về pháp lý được đặt ra.
Mặc dù vụ án Nguyễn Đức Kiên được quan tâm nhiều bởi danh tiếng của “ông trùm” ngân hàng ở nhiều lĩnh vực, nhưng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như mới thực sự được coi là “đại án” tham nhũng khi số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt lên đến 4.000 tỷ đồng.
Một câu hỏi tưởng như đơn giản là tiền gửi vào ngân hàng thuộc trách nhiệm của ai nay lại trở thành vấn đề nóng nhất tại phiên xét xử. Việc Vietinbank từ chối trách nhiệm đối với những khoản tiền gửi bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt đã khiến dư luận bất ngờ về một vấn đề đã là nguyên tắc cơ bản của hoạt động ngân hàng.
Kỳ vọng 2015
Bước sang năm 2015, những thành quả đã đạt được về ổn định vĩ mô, ổn định hệ thống sẽ là điểm tựa để ngành Ngân hàng tiếp tục giải quyết những vấn đề gai góc nhất của quá trình tái cơ cấu.
Hiện tại, nợ xấu mặc dù có giảm nhưng vẫn là điểm nghẽn khi VAMC vẫn còn chưa tìm được lối ra hiệu quả. Nợ xấu đang níu chân ngân hàng, làm giảm lợi nhuận khi phải trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm thêm, trong khi lãi suất cho vay bình quân hiện vẫn 9 – 10%/năm, cao hơn lãi suất suất huy động 3 – 4%/năm và gấp 2,5 lần lạm phát.
Kế hoạch sáp nhập 6 – 7 ngân hàng trong năm 2014, trong đó chủ yếu là gắn các ngân hàng yếu kém với các ngân hàng mạnh để vực dậy các ngân hàng yếu kém, hầu như dậm chân tại chỗ.
Và để Thông tư 36 đạt hiệu quả thực sự trong loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo… thì cần thiết phải đảm bảo được cơ chế, năng lực giám sát việc tuân thủ các quy định của các tổ chức tín dụng, xử phạt nghiêm minh và kịp thời, tránh tình trạng NHNN chỉ biết khi mọi việc đã rồi như thời gian qua. Để thực hiện được, không phải gia hạn hơn một lần như đã từng xảy ra với các quy định trước đây, đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh của cơ quan điều hành.
Ngân hàng là hệ thống hoạt động dựa trên niềm tin của công chúng. Và niềm tin đối với ngành ngân hàng năm qua đã được “tăng điểm”, không chỉ thể hiện ở các số liệu, xếp hạng, mà còn thể hiện ở kết quả ấn tượng của người lãnh đạo ngành trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cuối năm. Việc quyết liệt hơn nữa, hy sinh hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu ngành Ngân hàng sẽ củng cố niềm tin này và qua đó đem lại lợi ích cho chính các ngân hàng và cho cả nền kinh tế./.