Các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của SCIC đều tăng trưởng với tốc độ khá. Tổng tài sản hiện đạt khoảng 69.000 tỷ đồng, tăng 13 lần so với thời điểm thành lập năm 2006; vốn chủ sở hữu đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm 2006.
Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số
Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2014 của SCIC các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2013. Tổng doanh thu đạt 6.866 tỷ đồng, vượt 24% so với kế hoạch và tăng 31% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.645 tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch và tăng 11% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.194 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch và tăng 14% so với năm 2013. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 19,7% (xác định theo Thông tư 158/2013/TT-BTC), cao hơn so với kế hoạch đầu năm (14,3%). Đây là tỷ suất lợi nhuận khá cao so với các tập đoàn, tổng công ty.
Từ năm 2006 đến nay, SCIC đã bán vốn thành công tại 724 doanh nghiệp (DN), trong đó bán hết vốn tại 657 DN, thu về 6.256 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,2 lần so với giá trị sổ sách. Hoạt động bán vốn của SCIC được thị trường đánh giá là công khai, minh bạch và ngày càng chuyên nghiệp.
Nguồn thu từ hoạt động bán vốn và lợi nhuận thu được qua các năm, SCIC đã tiến hành đầu tư vào các DN/dự án thuộc ngành nghề lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư thực hiện đến 31/12/2014 là hơn 13.000 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trọng điểm như: Dự án Tháp Tài chính quốc tế, Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, trong thời gian tới SCIC tiếp tục nghiên cứu các dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cảng biển…, các dự án hợp tác trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng như dự án hợp tác với bệnh viện Nhi Trung ương, dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư...
 |
Tổng Giám đốc Lại Văn Đạo (đứng giữa) trao Giấy khen cho các cá nhân có thành tích năm 2014.
|
Khẳng định mô hình và hướng đúng đắn
Với những kết quả khá khả quan trong hơn 8 năm qua, SCIC đã và đang khẳng định mô hình là một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao.
Quan trọng hơn, SCIC đã chứng minh tính hiệu quả của chủ trương đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn. Thông qua vai trò cổ đông, SCIC đã chủ động tham gia tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại của các DN có vốn Nhà nước, trong đó tập trung vào giải pháp cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh, cơ cấu lại tài chính, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ…
Theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ, SCIC là Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là 1 trong 5 tổng công ty đặc biệt có điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ trực tiếp ban hành. Trong hai năm 2013 -2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, Nghị định số 57/2014 về Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của SCIC và Quyết định 2344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015, qua đó đã khẳng định vị thế, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động của SCIC trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Với sự tham gia quản lý của SCIC theo phương thức mới, đa số các DN đều có tăng trưởng về quy mô và hiệu quả hoạt động. Giá trị phần vốn nhà nước tại DN nhận bàn giao (xác định tại thời điểm 20/12/2013 theo quy định của Nghị định 151/2013/NĐ-CP) đạt hơn 71.000 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với giá trị sổ sách (gần 10.500 tỷ đồng), qua đó SCIC thể hiện là công cụ hữu hiệu của nhà nước để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa và cơ cấu lại phần vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư, thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Trần Văn Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, nhiệm vụ của SCIC sẽ nặng nề hơn. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác, SCIC cần phát huy tính chủ động, tích cực hơn nữa để làm tốt công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, gắn kết có hiệu quả các DN thành viên, tận dụng tốt cơ hội đầu tư kinh doanh nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ. Đồng thời, SCIC sẽ tăng cường công tác tái cơ cấu và nâng cao năng lực quản trị để tiếp tục tiếp nhận phần vốn nhà nước tại các DN Chính phủ giao, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty.
Ông Lại Văn Đạo, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SCIC cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, SCIC đã và đang tập trung triển khai Nghị định 151/2013/NĐ- CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của SCIC; đôn đốc tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước từ các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác quản trị DN đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại DN theo danh mục bán vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính, các khung khổ pháp lý cơ bản được hoàn thiện, tạo điều kiện cho SCIC thực hiện việc quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả, đúng tầm cỡ một nhà đầu tư chiến lược có hiệu quả của Chính phủ.
Chia sẻ về định hướng kế hoạch hoạt động của năm 2015, ông Lại Văn Đạo, cho biết: SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chuyển giao theo Nghị định 151; tập trung nguồn lực triển khai tiếp nhận vốn nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, SCIC tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bán vốn nhà nước tại DN để hoàn thành mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu và Chiến lược Phát triển SCIC. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan hoàn thiện cơ chế bán vốn trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm trong giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, SCIC sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và các dự án, cơ hội đầu tư đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu tham gia đầu tư mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty theo Nghị quyết 15/NQ-CP và Quyết định 51/2014/QĐ-TTg; triển khai nghiên cứu cơ hội mua bán dự án và mua bán sáp nhập DN./.