Nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác quyết toán đã đi vào nề nếp, đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Trong thành công chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ Phòng Quyết toán thuộc Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đường đến thành công không “trải hoa hồng”
“Chẳng con đường đến thành công nào được trải bằng hoa hồng, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm...” - anh Vũ Văn Liên, Trưởng phòng Quyết toán, Vụ Đầu tư đã mở đầu câu chuyện như thế. Anh kể, từ nhiều năm trước, cùng đoàn công tác đến các địa phương, chứng kiến một thực trạng đáng buồn: Khâu quyết toán không được quan tâm đúng mức, dù trước đó (từ năm 2001), Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường và đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành và hàng năm Bộ Tài chính đều có văn bản đôn đốc, công khai kết quả công tác này trong cả nước.
 |
Anh Vũ Văn Liên hướng dẫn việc triển khai Chỉ thị 27 tại tỉnh Bắc Kạn |
Câu hỏi “Làm sao để dự án, công trình hoàn thành đến đâu là quyết toán kịp thời đến đó, không làm ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của nhà nước?” luôn thôi thúc lãnh đạo Vụ Đầu tư và cán bộ của Phòng Quyết toán tìm lời giải.
Tập thể cán bộ Phòng Quyết toán sau nhiều năm cứ âm thầm, lặng lẽ, vừa đúc rút kinh nghiệm qua thực tế làm thẩm tra quyết toán một số dự án trọng điểm Quốc gia, vừa nắm bắt tình hình thực tiễn tại các địa phương. Để rồi, đến năm 2013 một số giải pháp cơ bản đã được hình thành.
Phòng Quyết toán đã báo cáo lãnh đạo Vụ Đầu tư, tham mưu với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT- TTg ngày 27/12/2013 về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Mục tiêu là xử lý dứt điểm nợ đọng trong XDCB, góp phần làm giảm nợ xấu và minh bạch trong các khâu triển khai thực hiện dự án.
Bộ Tài chính cũng đã xây dựng một chương trình kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có yêu cầu phải tuyên truyền sâu rộng tới các bộ, ngành, địa phương. Để thống nhất cách hiểu, cách làm, các anh chị đi về từng địa phương hướng dẫn cách lập hồ sơ, phương pháp thẩm tra theo đúng quy trình quyết toán cho các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, cán bộ kiểm soát thanh toán, cán bộ thẩm tra quyết toán, kể cả các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn.
Hiện nay, số dự án tồn đọng quyết toán từ năm 2004 trở về trước đã được xử lý hết. Các dự án tồn đọng của giai đoạn năm 2005 trở về đây còn lại rất ít. Đây là thành tích lớn của Bộ Tài chính và cũng là niềm hãnh diện, tự hào riêng của Vụ Đầu tư.
Vẫn còn đó nỗi trăn trở
Với những người luôn đau đáu với “nghề” quyết toán thì niềm vui lớn nhất chính là được nghe báo cáo kết quả ngày càng tiến bộ của từng địa phương. “Không vui sao được, nhất là khi từ trước tới nay, công việc này là đáng lo ngại nhất, thậm chí có đơn vị còn chẳng báo cáo chứ nói gì đến việc quyết toán. Vậy nhưng giờ đã thành nếp, cứ đến kỳ là các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả quyết toán về Bộ Tài chính...”, anh Liên chia sẻ.
|
Các cán bộ Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra công tác quyết toán dự án hoàn thành tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
|
Chính từ ý thức và trách nhiệm này đã giúp Bộ Tài chính có được bức tranh toàn cảnh về công tác quyết toán từ năm 2000 đến nay, nhờ đó đưa ra được các quyết sách đúng đắn trong công tác quản lý vốn đầu tư.
Khi có Chỉ thị 27, nhiều tỉnh đã tổ chức tuyên truyền thực hiện, tập huấn nghiệp vụ đến tất cả các chủ đầu tư, cơ quan quản lý vốn đầu tư và đến tất cả các xã trong địa bàn. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài chính đã tổ chức giao ban theo từng qúy về công tác quyết toán dự án hoàn thành với phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, để đưa ra lộ trình giải quyết đứt điểm các dự án tồn đọng quyết toán vốn đầu tư.
Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2014, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm tìm ra các phương án tối ưu, giải đáp những khó khăn vướng mắc trong công tác quyết toán. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân cấp rộng cho các trường trực thuộc được thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án; trường nào chưa giải quyết dứt điểm những công trình chậm thời gian quyết toán phải tạm dừng đến khi nào quyết toán xong mới được giao kế hoạch vốn cho dự án mới.
Bộ Giao thông Vận tải lại có “độc chiêu”, yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch lập và trình duyệt báo cáo quyết toán đến từng dự án cụ thể ngay từ quý I/2014...
Công tác quyết toán dự án hoàn thành đã đưa lại nhiều kết quả khích lệ. Tuy vậy, nhưng theo các anh chị Phòng Quyết toán, sẽ là trọn vẹn nếu như trình độ của các cán bộ làm công tác quyết toán cấp xã được nâng lên và họ không phải kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc. Có như thế, họ
mới có thời gian chuyên tâm cho công việc. Đồng thời, các địa phương cần tạo ra ý thức quyết toán ngay từ khi có quyết định đầu tư, chứ không chỉ biết lo chạy vốn, lo tìm dự án mà buông xuôi công tác quyết toán.
Ước tính sơ bộ số dự án được quyết toán năm 2014 trong cả nước tăng khoảng 40% - 50% so với năm 2013 (Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng 100%, khối huyện thị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc tăng 100%). Đây là một kết quả nói lên sự nỗ lực rất lớn của Vụ Đầu tư, trong năm qua đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ đã tạo ra một phong trào thi đua trong công tác quyết toán dự án hoàn thành và có tầm ảnh hưởng đến nhận thức sâu rộng đối với các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. |