Tuy nhiên, cơ hội và thách thức phát triển cũng đều rất lớn. Liên kết vùng là một trong những nội dung quan trọng, tạo sức mạnh chung để từ đó các địa phương phát huy lợi thế của mình trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực có thế mạnh.
Cơ hội và thách thức
Khu vực duyên hải miền Trung có vị trí địa lý khá thuận lợi trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với hệ thống giao thông đường bộ kết nối khu vực Tây Nguyên và trong tương lai gần sẽ nối với hệ thống đường xuyên Á qua Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Myanmar theo hành lang Đông Tây.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên như vậy, vùng có thế mạnh về phát triển du lịch, thương mại, vận tải, khai thác thuỷ hải sản. Vùng cũng có nhiều lợi thế trong phát triển các ngành công nghiệp lọc hoá dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thuỷ sản, hoá chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, dệt may, da giày…
Đặc biệt, việc hình thành các chuỗi đô thị ven biển (Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang) đã tạo điều kiện cho việc thiết lập và mở rộng liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng.
Nhờ tận dụng những lợi thế trên, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội trong vùng đã có những bước phát triển khá. Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực Duyên hải Miền Trung vẫn là vùng có trình độ phát triển thấp hơn so với nhiều vùng trong cả nuớc.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ và hiện đại; cảng biển và sân bay tuy nhiều nhưng chưa có thương cảng và sân bay quốc tế hiện đại tầm cỡ quốc tế và khu vực; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế, sức mua thị trường nội vùng không lớn; chưa có các sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế…
Giải pháp
Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để phát huy cơ hội đồng thời hạn chế những thách thức đặt ra. Trong đó, liên kết vùng là một trong những nội dung quan trọng, nâng cao sức cạnh tranh để từ đó các địa phưong phát huy lợi thế của mình trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực có thế mạnh, và giải pháp hình thành Hội đồng Vũng Kinh tế trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo, điều phối phát triển các tùng trong vùng.
Do khu vực duyên hải miền Trung nằm trong vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung và có tới 6 KKT ven biển, để có thể phát huy thế mạnh của vùng, điều đầu tiên cần quan tâm là chính sách phát triển VKTTĐ và KKT. Nghiên cứu chính sách tài chính hiện hành áp dụng đối với các VKTTĐ và KKT có thể thấy một số bất cập, đó là các chính sách tài chính áp dụng cho VKTTĐ cơ bản xây dựng theo khuôn khổ các chính sách tài chính chung áp dụng trên phạm vi toàn quốc và chính sách cho các lãnh thổ đặc biệt không chỉ riêng VKTTĐ mới có như KKT, KCN, khu công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu mà chưa có hệ thống chính sách riêng cho VKTTĐ.
Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy triệt để các lợi thế so sánh để phát triển, chưa tạo ra sức bật mạnh cho các VKTTĐ. Mặc dù đã hình thành định hướng dự án/công trình có tính chất liên vùng (giao thông, y tế, đào tạo nghề, xử lý nước thải…) nhưng còn thiếu hệ thống chính sách tài chính để huy động nguồn lực theo kiểu liên kết vùng nhằm tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng và giữa VKTTĐ với các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, chính sách tài chính tạo nguồn vốn đầu tư hiện đang tập trung chủ yếu vào tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với dự toán và cơ chế tạo quỹ đất. Chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách cho các địa phương VKTTĐ chưa thực sự trở thành nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện các dự án có tính chất liên vùng, làm giảm tính chủ động ngân sách của các địa phương trong VKTTĐ.
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, kiến nghị cần có quy hoạch tổng thể về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch các ngành sản xuất, KCN, cụm công nghiệp…tạo liên kết vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí. Chính sách ưu đãi phát triển VKTTĐ miền Trung nên tập trung vào chính sách ưu đãi phát triển các KKT, KCN hiện có gắn với việc lựa chọn phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp cơ khí; chế biến hải sản - thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; hoá chất, hóa dầu; sản xuất điện.
Cần đánh giá lại việc thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015, trong đó cần nghiên cứu cân nhắc việc tăng điểm số khi xác định điểm để phân bổ vốn đầu tư cho VKTTĐ miền Trung trong tương quan với các vùng miền khác. Đánh giá lại cơ chế bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP, rà soát những chính sách hỗ trợ mang tính trùng lặp, phân tán hoặc nhiều chính sách hỗ trợ áp dụng cho một địa phương để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các dự án có tính chất động lực, có khả năng thu hồi vốn, hình thành cơ chế vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư phát triển hạ tầng liên kết vùng.
Cuối cùng là nâng cao năng lực tài chính của các quỹ đầu tư phát triển địa phương để góp phần huy động và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương./.