Hơn 30 năm theo nghiệp báo chí với tác phong làm việc chuyên cần đầy sáng tạo, nhà báo Trần Đình Lương đã làm nên những kỳ tích trong nhiều tác phẩm báo chí của Báo Quân đội Nhân dân và Thời báo Tài chính Việt Nam. Ông đã truyền lửa lại cho thế hệ kế tiếp về tri thức báo chí của thời đại, cách tiếp cận các đối tác và cách thu thập thông tin phân tích. Cuối cùng đúc rút ra những phần nào cơ bản nhất để làm sống dậy những bài báo có hồn đầy thực tiễn.
|
Cố nhà báo Trần Đình Lương
|
Ngoài làm báo, ông Trần Đình Lương còn viết thêm về phê bình văn học, đã nhiều lần ông tham gia góp ý sửa các ngôn từ trong các truyện ngắn của tôi và của anh em. Từ ngày gặp ông, tôi được biết 3 bài thơ ông viết gắn với những kỷ niệm. Đó là một lần Thời báo Tài chính Việt Nam đi du lịch ở Mai Châu (Hòa Bình). Trước cảnh vật thiên nhiên và con người, ông đã xúc cảm viết bài thơ “Về Mai Châu” đầy tính ảo vọng, hư hư thực thực.
Bài thứ hai: Trong một đợt đi công tác tại Quảng Bình, sau khi thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi lên vùng Tuyên Hóa vào Phong Nha – Kẻ Bàng. Ở đó, chúng tôi gặp một cô gái quần xắn cao đầu gối đang lội suối để lộ bắp chân trần trắng nõn, tác giả kịp hỏi quê cô gái ấy thì được cô trả lời “Em ở Minh Hóa” (một huyện miền núi tỉnh Quảng Bình), làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Bài thơ “Em ở đâu, miền sơn cước” ra đời sau vài phút gặp gỡ như thế. Bài thơ là sự ước vọng về hình bóng một người phụ nữ trinh nguyên không màu tỳ vết, không hoen ố.
Bài thứ ba: Bài Đồng dao cuộc đời, ông viết dành tặng cho những người lính đã đi qua chiến tranh với cây bút và khẩu súng, rồi đi qua thời khắc khó khăn sau hậu chiến với nỗi lo cơm áo, gạo tiền.
Chỉ qua 3 bài thơ, chúng ta đã thấy được cái tâm của nhà thơ, nhà báo Trần Đình Lương hiện diện trong trẻo vẹn nguyên giữa cuộc đời.
Nhân ngày giỗ đầu của ông Trần Đình Lương, chúng tôi trân trọng giới thiệu nguyên bản 3 bài thơ ông đã kịp để lại cho đời trước lúc đi xa.
Em ở đâu, miền sơn cước
Đến hôm nay anh vẫn đi tìm
Lời nói ấy ngọc ngà không tỳ vết
Thời gian trôi nỗi nhớ còn đọng lại
Về một đêm hè ngôi sao lặng lẽ bay…
Em ở đâu Minh Hóa* trập trùng
Nơi nào em vùng quê sơn cước?
Em ở đâu, không lời hẹn ước
Mà hôm nay anh vẫn đi tìm
Anh cứ mơ về một ngày mai
Vẫn vẹn nguyên ngọc ngà không tỳ vết
Cô sơn nữ thiên thai miền sơn cước
Sẽ mãi còn giữa bão gió triền miên
Anh đã tìm em xuyên suốt mọi miền
Những túp lều xiêu, dáng mẹ gầy hao khuyết
Những gương mặt người nhựa men bóng loáng
Cứ xen vào hình bóng chập chờn đêm
Đang ở đâu em gái trinh nguyên
Có còn nuột nà không mầu tỳ vết
Hay giữa đường đời nơi nào hoan lạc
Căn phòng nào thác loạn thâu đêm?
Xin một lời kêu giữa thiên nhiên
Rằng cây xanh vẫn muôn mầu thắm lá
Rằng ngọc ngà không hề hoen ố
Đọng mãi về miền sơn cước xa xôi./.
Quảng Bình, 7/11/2013
(Minh Hóa*: địa danh thuộc một vùng núi tỉnh Quảng Bình)
Về Mai Châu
Mai Châu về có gặp em đâu
Sương mù giăng mái nhà sàn thấp thoáng
Hũ rượu cần cô đơn bên sàn vắng
Rượu tràn đầy sao uống mãi chẳng say
Mai Châu về em ở đâu đây
Tiếng khúc khích chìm sau vòm lá
Phổ cẩm giăng hoa lối mòn phố núi
Con đường dài thăm thẳm phía trời xa./.
Đồng dao cuộc đời
(Tặng Bác Châu Nho và những người lính)
Nhớ một thời trắng trong
Tình yêu là cổ tích
Viết thơ làm hẹn ước
Khoác súng đi chiến trường
Phà Phong Nha, Long Đại
Truy điệu sống hai lần
Thơ viết từ máu lửa
Đi suốt thời chiến tranh
Thời bình làm giám đốc
Chủ tịch hội doanh nhân
Dám xé rào mở bước
Vì đói nghèo dấn thân
Nay vẫn cầm cây bút
Nghiệp chướng chẳng cho rời
Vẫn vừa đi vừa viết
Ngược xuôi giữa cuộc đời
Đỉnh Đông Hồi biển gọi
Chuyện ngắn rồi thơ quê
Bạn bè vui như hội
Thơ nhạc rạng đêm hè
Ba cái răng goodbye
Thuốc bỏ rồi lại nhớ
Xe riêng - hãi không đi
Công tác ngồi tầu chợ
Gánh thơ đi hối lộ
Chưa ai chịu nhận cho
Về làm Trưởng đại diện
Thơ báo thành Châu Nho
.
.
.
Lão báo già Châu Nho./.
Noel, 25/12/2010