Tết Ất Mùi năm nay là thời điểm càng đặc biệt hơn khi mà dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa độc đáo của xứ Nghệ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
TBTCVN xin trích ý kiến của các vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các nhà quản lý và người dân tâm huyết với làn điệu dân ca ví giặm.
* NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ:
PHÁT HUY THÊM GIÁ TRỊ CỦA DÂN CA VÍ GIẶM
“Ngay từ khi sinh ra, mỗi người dân xứ Nghệ đã được “nuôi dưỡng tâm hồn” bằng những làn điệu dân ca ví giặm đằm thắm, mượt mà. Qua các làn điệu này người dân xứ Nghệ muốn quên đi những mệt mỏi trong cuộc sống lao động để đấu tranh sinh tồn với mảnh đất thiên nhiên “ưu đãi” lắm nắng, nhiều mưa.
Ngày xưa các cụ Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ... đã để lại cho chúng ta kho tàng đồ sộ với những câu hát nổi tiếng, chính vì vậy giờ đây chúng ta cần tham gia bảo tồn, phát huy thêm giá trị của dân ca ví giặm. Để làm được điều này rất cần sự tham gia của các tầng lớp trí thức vào cuộc để những câu từ, điệu ví mang tính bác học hơn, để đi theo kịp với tiến trình phát triển của xã hội”.
* Ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:
XÂY DỰNG BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA XỨ NGHỆ
“Nhân dịp bước sang năm mới, đón Xuân Ất Mùi, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua Thời báo Tài chính Việt Nam, tôi thân ái gửi những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể nhân dân trong tỉnh cùng bà con quê hương Nghệ An đang sinh sống, học tập và làm việc ở ngoài tỉnh, cũng như những kiều bào ở nước ngoài đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua.
Tỉnh đã phê duyệt “Đề án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ”, với mục đích xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm nhằm đảm bảo đủ điều kiện làm việc và là một trong những công trình trọng điểm văn hóa vừa mang tính dân tộc vừa có tính thời đại. Công trình với phong cách kiến trúc truyền thống giàu bản sắc riêng của khu vực Bắc Trung bộ, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, thể nghiệm, bảo tồn và phát huy quảng bá dân ca.
* Ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Trưởng khoa Trường Đảng tỉnh Nghệ An:
DÂN CA VÍ GIẶM ĐÃ THẤM VÀO MÁU NHIỀU THẾ HỆ
“Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông La, huyện Đức Thọ -quê hương của ví Phường Vải, gốc của ví giặm Nghệ Tĩnh. Bà tôi, mẹ tôi, vợ chồng tôi đều ru con bằng làn điệu ví giặm. Dân ca ví giặm đã thấm vào máu nhiều thế hệ, thành niềm tự hào của người dân quê tôi”.
* Bà Nguyễn Thị Diễn (Tân Kỳ, Nghệ An):
DÂN CA VÍ GIẶM ĐÃ THEO TÔI ĐI SUỐT CUỘC ĐỜI
“Ví giặm thấm vào từng con người xứ Nghệ, như nước uống, cơm ăn. Hai mươi tám năm tôi làm y sỹ khoa sản ở trạm xá Thị trấn Lạt - Tân Kỳ, tôi thường hát ví giặm để động viên các phụ sản trong khi sinh đẻ. Dân ca ví giặm đã theo tôi đi suốt cuộc đời, giúp hàng trăm ca sinh đẻ được “mẹ tròn, con vuông”.
* Ông Trịnh Ngọc Lợi, chuyên viên Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh:
TỰ HÀO VỚI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
“Từ năm 1998 đến nay, huyện Nghi Xuân đã đưa dân ca vào trong trường học dưới hình thức các tiết học ngoại khóa và lồng ghép vào một số tiết học dân ca địa phương. Cứ hai năm một lần, huyện Nghi Xuân lại tổ chức cuộc thi “Tiếng hát dân ca học đường” thông qua đó nâng cao chất lượng cả chiều rộng và chiều sâu trong phong trào văn hóa văn nghệ - dân ca trong nhà trường đồng thời là cầu nối để học sinh đến gần với dân ca ví giặm hơn nữa qua đó giúp các em biết trân trọng, yêu mến, tự hào với văn hóa truyền thống.o
* Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An:
XỨNG ĐÁNG LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI
“Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề. Chúng ta đã cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn loại hình dân ca này và triển khai những cơ chế chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân để thực hành, trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ, sao cho ví giặm trường tồn mãi với thời gian, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, cần phải kết hợp giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với phát triển du lịch; tổ chức các hình thức linh hoạt để bảo tồn, góp phần tích cực vào việc phát triển bản sắc văn hóa xứ Nghệ và làm nền tảng vững chắc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh”./.