Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015, lại vừa được đón nhận Danh hiệu Anh hùng, niềm vui những người làm thuế Thủ đô được nhân lên, thêm cả vinh dự, tự hào bên cạnh niềm vui đón xuân mới, với sắc diện mới rạng rỡ hơn.
Minh bạch, đổi mới
Tôi nhớ cuộc gặp gỡ với phóng viên báo chí nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2015, lần đầu tiên của mình trên cương vị Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, anh Hà Minh Hải khẳng định sẽ phản hồi tất cả các vấn đề báo chí nêu ra. Anh nói: “Chúng tôi xin cam kết, sẽ không có câu hỏi nào của các nhà báo không được trả lời! Nếu câu trả lời không thể đưa ra được ngay lúc hỏi, thì cùng lắm cũng chỉ một, hai ngày sẽ gửi đến các nhà báo bằng văn bản.” Cánh báo chí phấn khởi lắm, bảo nhau: Đúng là mẫu lãnh đạo trẻ, con người mới, dám nói, dám làm…
Không chỉ cởi mở với báo chí, cùng với cả nước, ngành Thuế Thủ đô cũng bước vào công cuộc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện với một khí thế chưa từng có, mà cốt lõi của nó là minh bạch, đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đơn cử việc thực hiện chính sách công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế khoán, thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu để có cơ sở lập bộ thuế khoán năm 2016, được triển khai bài bản trên phạm vi toàn thành phố, với quy mô hàng chục vạn hộ kinh doanh. Toàn bộ hệ thống chính trị từ chính quyền thành phố, các quận, huyện, xã phường đến từng cán bộ thuế được huy động, với một khối lượng công việc khổng lồ phải hoàn thành trong thời gian vài tháng.
Ông Phạm Ngọc, 86 tuổi, chủ một hiệu thuốc tây 17 Hàng Phèn, quận Hoàn Kiếm nói: “Trước đây, cơ quan thuế cũng công khai mức thuế khoán của các hộ tại trụ sở và UBND phường. Nhưng thú thực, chúng tôi chả bao giờ ra xem. Lần này, danh sách (200 hộ khoán trong khu vực) được gửi tới tận nhà, chúng tôi hoan nghênh. Cán bộ thuế còn tới giải thích kỹ tại sao phải nộp. Tôi bán hàng đã mấy chục năm, nói thật, nếu thấy có gì không phải là tôi ý kiến ngay. Lần này được giải thích, chúng tôi rất hoan nghênh thái độ của các cán bộ thuế”.
“Việc thu thập thông tin theo tôi là cần thiết, để đưa ra mức khoán cho đúng, không như trước, chỉ thấy tăng chẳng bao giờ thấy giảm thuế. Nếu làm ăn được, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế cao hơn. Nhưng nếu kinh doanh giảm thì cũng giảm thuế cho chúng tôi chứ! Tôi nghĩ, một năm nên thu thập thông tin vài lần cho sát thực tế”. Ông Ngọc kiến nghị.
Khi các hộ kinh doanh đã hiểu và ủng hộ thì mọi việc sẽ thuận lợi. Chỉ trong vòng vài tháng, “núi” công việc này cũng đã được hoàn tất. Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Long Biên Nguyễn Hữu Hùng có lần đã “bật mí” với tôi, chỉ tính đến ngày 10/10/2015, đơn vị anh đã hoàn thành việc thu thập thông tin các hộ khoán, nhập vào ứng dụng của cơ quan thuế và là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên của thành phố hoàn thành chỉ tiêu này. Còn ở quận Hoàn Kiếm, nơi có khoảng gần 1 vạn hộ khoán, đến đầu tháng 11, cũng đã cơ bản hoàn thành…
Cục trưởng Hà Minh Hải tâm sự: Từ khi thực hiện công khai thông tin hộ khoán, các thông tin phản hồi rất nhiều. Chỉ qua điện thoại di động, anh đã nhận được rất nhiều phản ánh… Và vì vậy, các mệnh lệnh xử lý được đưa ra rất nhanh và giải quyết rất kịp thời, làm thay đổi hẳn thái độ, trách nhiệm và quy trình của bộ máy ngành Thuế Thủ đô.
Đi đầu về hiện đại hóa
Nói về việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, điều mà Cục trưởng Hà Minh Hải tâm đắc nhất, chính là việc hiện đại hóa quy trình quản lý, giảm thủ tục thuế cho doanh nghiệp (DN). Những con số, tỷ lệ phần trăm trong báo cáo cũng nói lên được sự xuất sắc của ngành Thuế Thủ đô trong việc triển khai nộp thuế điện tử; cắt giảm hàng trăm giờ tuân thủ thủ tục thuế cho người nộp thuế. Nhưng tôi lại muốn nói về cảm nhận của mình trong sắc thái câu chuyện của người Cục trưởng qua sự sôi nổi trong giọng nói của anh, khi nói về lĩnh vực này. Cục Thuế TP. Hà Nội là một trong những đơn vị với quy mô lớn nhất, đi đầu và hiện đại hóa mạnh nhất, được biểu dương trong toàn ngành.
Đành rằng, điều làm nên phẩm chất anh hùng không chỉ là những thành tích trong những năm gần đây mà tích hợp của nhiều yếu tố truyền thống. Song có thể nói, bề dày thành tích truyền thống trên nhiều lĩnh vực quản lý thuế chính là nền móng vững chắc để những cải cách, hiện đại hóa hiện tại có điều kiện thăng hoa, phát triển như vũ bão.
Cục trưởng Hà Minh Hải say sưa nói về việc thực hiện các quy trình thủ tục thuế điện tử. Anh bảo, sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội hướng tới quy trình kiểm tra, thanh tra cũng chuyển sang phương thức điện tử. Các bước kiểm tra, đánh giá tuân thủ của DN đều bằng các phương thức giao dịch gián tiếp (điện tử).
Đầu tiên, khi DN gửi tờ khai đến, cán bộ thuế sẽ kiểm tra trên hệ thống (phần mềm). Với những vấn đề đơn giản, kê khai chưa hợp lý… cán bộ thuế gọi điện thoại đề nghị DN kiểm tra, điều chỉnh. Cán bộ thuế thống kê điều chỉnh đó vào kết quả kiểm tra. Tiếp theo, nội dung dài, phức tạp hơn, cán bộ thuế sẽ gửi thư điện tử (email) cho DN, yêu cầu sửa chữa, kê khai lại cho đúng, bổ sung các loại chứng từ (nhận được thông tin lại thống kê vào kết quả kiểm tra). Tiếp đến, nếu DN vẫn còn thiếu sót, cơ quan thuế sẽ gửi công văn yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp có thông báo rồi DN vẫn không thực hiện, cơ quan thuế mới phân tích, đánh giá và cử cán bộ thuế đến kiểm tra DN.
Tất nhiên quá trình cải cách còn có khiếm khuyết phải khắc phục, song tinh thần lạc quan và quyết tâm cải cách là điều dễ nhận thấy ở cán bộ, công chức ngành Thuế Thủ đô. Điều này góp phần quan trọng đảm bảo công cuộc cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế sẽ đến thành công, đạt hiệu quả cao.
Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế: Năm 2015, trong bối cảnh nguồn thu từ khí và dầu thô giảm mạnh (giảm gần 3.000 tỷ đồng), Cục Thuế Hà Nội đã phấn đấu đạt được tổng thu 141.653 tỷ đồng, đạt 109,8% dự toán, tăng 19,7% so năm 2014. (Chưa tính số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại: 47.150 tỷ đồng). Kể từ năm 2011 đến nay, số thu ngân sách hàng năm của đơn vị luôn đạt trên 10.000 tỷ đồng. |