Đó là thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. TBTCVN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc (đầu đề do Ban biên tập đặt).
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng là một trong những nội dung cốt yếu của đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, thành công.
Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp trọng tâm được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN khẳng định quyết tâm, tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết, cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC - ASEAN Economic Community) có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, GDP hơn 2.600 tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN cần khẩn trương nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế nhưng phải có lộ trình phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2011 đến năm 2013 là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết và thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Trên cơ sở kết quả đạt được, từ tháng 4/2014 hệ thống thông quan tự động đã chính thức được triển khai trên toàn quốc, từ tháng 11/2014 đã kết nối lần lượt với các bộ, ngành có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Ngày 8/9/2015, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và đại sứ một số nước trong khu vực. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã có sự tham gia, kết nối của 10 bộ, ngành liên quan với 20 thủ tục hành chính chủ yếu trong hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam. Theo lộ Trình tới năm 2020, tất cả các bộ, ngành sẽ tham gia cơ chế này với đầy đủ các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh, quá cảnh đối với người và phương tiện, đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Ngay sau khi chính thức kết nối và từ đó đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước: Tập trung vào một đầu mối, giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi thương mại, du lịch, đầu tư. Có thể khẳng định rằng, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN là bước đột phá quan trọng trong việc hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và hiệu lực, cùng cả nước chủ động hội nhập khu vực và quốc tế, vì một cộng đồng ASEAN có khả năng cạnh tranh, năng động, sáng tạo và thịnh vượng như mục tiêu đã đề ra trong tầm nhìn ASEAN 2025.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, luật hóa những quy định trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế trong đó có những quy định hướng dẫn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Cùng với đó là hoàn thiện quy trình, quy chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức trong nước và nước ngoài để Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được, Việt Nam sẽ có kế hoạch và biện pháp cụ thể để từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.