Góc châu Âu giữa lòng Hà Nội
Thời gian gần đây, các ban nhạc, nghệ sĩ Việt theo xu hướng Tây hóa, nhằm thỏa mãn sở thích của cộng đồng ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến loại hình âm nhạc đường phố. Dự án “Luala concert” (tại phố Lý Thái Tổ) là một ví dụ điển hình khi đem đến không gian thanh nhã của một góc phố rất châu Âu giữa lòng Hà Nội.
|
Dự án"Luala concert" mang theo xu hướng Tây hóa, đem đến không gian thanh nhã của một góc phố rất Châu Âu giữa lòng Hà Nội. Ảnh H.L
|
Hay một số dự án âm nhạc học sinh, sinh viên (nhóm Du ca đường phố, Sign In…); các bài hát đậm chất du ca của cô ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý cũng được triển khai rộng rãi. Chưa thể khẳng định các dự án âm nhạc đường phố như thế này là thành công, nhưng phần nào đã khơi gợi sự quan tâm một cách tự nhiên trong công chúng; tạo ra các tuyến phố văn minh và cho mọi người thấy thấp thoáng một nét văn hóa châu Âu.
Thực tế đã cho thấy, việc bắt kịp xu hướng và hội nhập về âm nhạc này đã khiến ta có nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình ca nhạc mang tính quốc tế; được giới chuyên môn nước ngoài chú ý, thể hiện rõ nhất qua giải thưởng âm nhạc lớn như MTV EMA (Giải thưởng âm nhạc châu Âu của kênh MTV), Mnet Asian Music Awards (Giải thưởng âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc)… với đề cử có mặt nghệ sĩ Việt Nam.
Lạc điệu
Mọi người thường nghe nói đến nghệ thuật, trong đó có âm nhạc như một sản phẩm giải trí. Tuy nhiên, nhận định đó lại chưa hoàn toàn đúng và đôi khi hết sức nguy hiểm bởi nghệ thuật là căn nguyên, bao trùm và hình thành nên văn hóa xã hội, tác dụng giải trí thực tế chỉ là một hệ quả rất nhỏ của nó. Với lối suy nghĩ đó, không ít nghệ sĩ hiện nay đang nhầm tưởng cứ cái gì hội nhập, theo thế giới cũng là tốt mà không có sự chọn lọc phù hợp. Nhiều sản phẩm âm nhạc được ra đời trong hoàn cảnh lười sáng tạo trở thành quá lố, rẻ tiền, không hề có chút hồn Việt nào. Những từ ngữ như “ăn theo”, “đạo nhạc” giờ đã không còn xa lạ với khán giả khi cứ bật nhạc lên là lại thấy bài này giống Hàn Quốc, bài kia đã nghe ở đâu đó…
Bên cạnh đó, âm nhạc giao hưởng thính phòng, dân ca, âm nhạc truyền thống dần bị lui vào dĩ vãng khi trên truyền hình, các nhà sản xuất, trung tâm đĩa nhạc… đều cho ra đời các sản phẩm nhạc nhẹ, mang hơi hướng nước ngoài nhằm chạy theo doanh thu. Thực tế, những thứ âm nhạc hội nhập kém chất lượng, chỉ phục vụ nhu cầu ăn khách, lạ tai vẫn dễ dàng được phê chuẩn phát hành. Trong khi đó, âm nhạc truyền thống dân tộc, cách mạng chỉ biểu diễn thưa thớt trong các dịp lễ tết, kỷ niệm...
UNESCO và giai điệu hồn xưa Việt
Thực tế, nước ta có thể “mở mày mở mặt” khi nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu; quan họ Bắc Ninh và ca trù cũng trở thành Di sản văn hóa thế giới. Đó có thể coi là những bằng chứng về giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc được cả thế giới ghi nhận và là nền tảng chắc chắn cho sự phát triển của âm nhạc Việt trên con đường hội nhập. Nhiều tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, mang đậm chất Việt có cơ hội biểu diễn tại sân khấu nước ngoài, được tôn vinh ở Giải thưởng Hồ Chí Minh, hay trong lễ kỷ niệm 50 năm Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam...
Nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt cùng những bài ca bất hủ vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng. Nhắc đến làng nhạc Việt, không ai là không biết tới nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Văn Cao, nhạc Phạm Duy… Những đêm nhạc xưa với sự góp mặt của những giọng ca điêu luyện, bài bản như Hồng Nhung, Thanh Lam, Anh Thơ, Trọng Tấn… vẫn vang động hồn nhạc Việt, được đông đảo khán giả ưa chuộng.
Tuy nhiên công bằng mà nói, trong cơ chế thị trường, hội nhập như hiện nay, các tác phẩm âm nhạc giá trị rất dễ chỉ còn là hoài niệm. Trên con đường đi tới, những giai điệu bất hủ một thời sẽ không thể quên, nhưng những giai điệu mới cũng không thể chỉ sống bằng kỷ niệm. Điều cốt yếu là hồn Việt vẫn sẽ còn trong một âm hưởng mới. Điều này không thể trông chờ vào điều gì khác ngoài tài năng và tâm huyết của các nghệ sĩ./.
Ca sĩ Thụy Vũ (cựu thành viên nhóm AC&M) mới đây bày tỏ quan điểm của mình được rất nhiều người ủng hộ. Theo anh, đối với những “gã khổng lồ”, “thân thể nghệ thuật cường tráng” như Mỹ, Anh…. thì một vài hình ảnh nhân vật phản cảm hay dăm ba ca khúc “rẻ tiền” chỉ như những vết xước ngoài da nhằm làm tăng thêm sức đề kháng cho nền nghệ thuật của họ. Còn với nền ca nhạc của ta, nếu cứ “học đòi” thái quá thì chỉ như một thân thể bị lở lói… |