Trong lúc đó, việc thực hiện đề án tái cơ cấu vẫn chưa được như kỳ vọng. Điểm đáng ghi nhận nhất trong tái cơ cấu DNNN năm qua có lẽ nằm ở khâu hoàn thiện thể chế pháp lý.
Lấp đầy những khoảng trống pháp lý
Lâu nay, nhiều người vẫn thường nhắc đến các cụm từ “khoảng trống pháp lý, thiếu cơ chế, buông lỏng quản lý, giám sát chưa sát…”. Thế nhưng, chỉ trong năm 2013, đã có nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thông qua nhằm lấp đầy những khoảng trống này.
Chỉ riêng Cục Tài chính doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính giao chủ trì, soạn thảo và được Chính phủ thông qua 5 nghị định liên quan đến DNNN. Đó là Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai, minh bạch thông tin tài chính của DN có vốn nhà nước; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước và quản lý tài chính đối với DN 100% vốn nhà nước; Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN; Nghị định số 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ DNNN. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các Nghị định số 50, 51/2013/NĐ-CP quy định về chế độ lương, thưởng đối với người lao động và lãnh đạo DNNN theo đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nghị định số 172/2013/NĐ-CP về thành lập, giải thể DN 100% vốn nhà nước...
Vơi dần những nỗi lo
Soi vào thực tế, những nỗi lo thường trực ở khu vực này trong lĩnh vực quản lý và giám sát tài chính gắn với trách nhiệm của chủ sở hữu, DN và cơ quan quản lý về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN hiện đã vơi đi phần nào.
Trước tiên là lĩnh vực đầu tư, hiện nay DNNN chiếm khoảng 40% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA nên vấn đề đầu tư và hiệu quả đầu tư ở các DNNN được dư luận rất quan tâm. Sự lãng phí trong đầu tư ở khu vực này lâu nay không phải là chuyện hiếm. Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN đã lần đầu tiên được quy định trong Nghị định, nhằm tạo ra một khung pháp lý thống nhất và cụ thể trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN.
Hơn nữa, để đảm bảo cho các DN tập trung vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm. Nghị định đã quy định: “DN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những DN có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
Nghị định số 71/2013/NĐ-CP đưa ra trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành bị lỗ, tức giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của DN thì sẽ báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định. Đây là một trong những điểm nhấn nhằm tháo gỡ câu chuyện thoái vốn đang mắc kẹt ở nhiều DN. Riêng với vấn đề phân phối lợi nhuận, Nghị định đã thay đổi căn bản việc phân phối lợi nhuận sau thuế so với các quy định trước đây.
Giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn
Về vấn đề giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, điểm yếu lâu nay do không phân rõ vai trò trách nhiệm dẫn đến tình trạng vừa trùng, vừa trống đã được khắc phục. Nghị định số 61/2013/NĐ-CP lần này đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp thực hiện giám sát tài chính, lấy kết quả giám sát tài chính làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN. Theo đó, DNNN sẽ phải chủ động tổ chức việc giám sát tài chính, xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về nợ xấu, về huy động vốn để đầu tư phải đảm bảo đúng kế hoạch chủ sở hữu phê duyệt, trả được nợ,... Về phía chủ sở hữu phải tổ chức bộ phận chuyên trách để theo dõi, giám sát hoạt động tại các DN có vốn nhà nước; kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh khi DN có dấu hiệu rủi ro, mất an toàn tài chính. Về phía cơ quan quản lý nhà nước bám sát hoạt động của DN hỗ trợ chủ sở hữu quản lý, giám sát thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN và thực thi giám sát việc minh bạch, công khai thông tin tài chính của các DNNN để người dân biết và tham gia giám sát.
Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ CPH, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ra đời đã góp phần “khơi thông” một số ách tắc của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP trước đó. Đặc biệt là việc gỡ bỏ vướng mắc trong tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị DN… Những băn khoăn về chưa có những giải pháp cụ thể trong quản lý và xử lý nợ xấu tại các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu cũng được quy định rõ ràng cách thức, quy trình và trách nhiệm của DN, chủ sở hữu tại Nghị định số 206/2013/NĐ-CP thực sự là công trình hữu hiệu giúp DN hoàn thiện công tác quản trị công nợ, chủ động phòng ngừa và ngăn chặn nợ xấu.
Có thể thấy rằng năm 2013, các khoảng trống pháp lý về quản lý tài chính ở khu vực DNNN cơ bản đã được lấp đầy và thực sự là động lực cũng như là áp lực về mặt pháp lý.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2014 trên lĩnh vực quản lý tài chính DN, Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cơ chế tài chính DN, hoàn chỉnh các đề án liên quan đến tái cơ cấu DNNN và tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung. Trọng tâm đó là nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự thảo “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN”. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các DNNN tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính DN mới; đôn đốc và giám sát việc thực hiện tại các DN để các cơ chế, chính sách sớm đi vào cuộc sống, nâng cao được hiệu quả hoạt động của các DN./.