Đầu xuân năm mới, Ban Kinh tế Trung ương vừa tròn một năm thành lập. Nhiệm vụ phía trước còn khá bộn bề, song với trọng trách to lớn được Đảng và Nhà nước giao. Ban Kinh tế Trung ương đã dần khẳng định “tiếng nói” của cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với TBTCVN về những đánh giá và dự báo kinh tế đất nước trong thời gian tới.
* TBTCVN: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những kết quả chủ yếu của kinh tế nước ta năm 2013?
- Ông Vương Đình Huệ: Năm 2013, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng cao hơn năm trước; tăng cường đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; kinh tế có bước phục hồi, do đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu, cùng với ba đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả… Đó là những kết quả cơ bản.
Ngoài ra, theo nhận định của tôi, điểm tích cực nhất của kinh tế năm 2013 là ngoài ba trọng tâm về đầu tư công, tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã tập trung tái cơ cấu ngành, đây là lĩnh vực rất quan trọng trong tổng thể Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Qua đó, điểm nổi bật lớn nhất trong tập trung tái cơ cấu ngành năm qua, chúng ta đã có quyết sách về vấn đề tam nông, trong đó có tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đã nhận được sự quan tâm sâu rộng của toàn xã hội, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Ngoài việc tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năm 2014 chúng ta sẽ tập trung sâu hơn nữa vào các ngành Công nghiệp và dịch vụ…
|
Khu công nghiệp Hoàng Mai - Nghệ An. Ảnh: T.K
|
Điểm thứ hai, chúng ta đã tập trung tháo nút thắt của nền kinh tế (tồn kho cao, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp), vừa lo trước mắt, vừa lo dài hạn. Thực tế cho thấy, chúng ta đã và đang tiến hành tái cấu trúc kinh tế trong bối cảnh nguồn lực thực hạn chế. Do đó, để giải quyết nhanh nợ xấu của ngân hàng, năm qua chúng ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tôi cho đó là giải pháp rất đúng và cần thiết.
Cũng có những quan điểm cho rằng, đây chỉ là hình thức chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang VAMC. Về mặt kỹ thuật thì đúng là như vậy. Nhưng quan trọng, chúng ta đã giải quyết một bài toán cấp bách là làm cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng được tích cực và cải thiện, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục cho vay, đưa tín dụng ra nền kinh tế. Nếu chúng ta có nguồn lực thực, cách thức thực hiện cũng sẽ khác. Tới đây, theo tôi cần phải nghiên cứu và hoàn thiện mô hình này, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho VAMC để tập trung nguồn lực tái cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng một cách tích cực và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, một điểm nhấn vô cùng quan trọng năm qua đó là, mặc dù ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tập trung cho công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội… được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn đó là: Tăng trưởng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm chưa đạt mục tiêu, kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc; lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới; tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các DNNN cũng vẫn còn chậm và còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, DN giải thể và ngừng hoạt động còn tăng, ảnh hưởng đến đời sống việc làm của người lao động...
* TBTCVN: Trước những hạn chế về các chỉ tiêu kinh tế như ông vừa chỉ ra, theo ông chúng ta có kế sách gì để vượt qua khó khăn này?
- Ông Vương Đình Huệ: Trong năm tới, bên cạnh việc phát huy những thành quả 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015), chúng ta tiếp tục củng cố tính vững chắc kinh tế vĩ mô, trên tinh thần nhất quán phải ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát có mục tiêu. Qua đó, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát mới có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2014 kế hoạch chỉ tiêu kinh tế là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Bội chi ngân sách 5,3% GDP… Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược; ngoài ra, tập trung cho đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư năm 2014 không thấp hơn so với năm trước. Dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta đã tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông có trọng điểm, có địa chỉ rõ ràng như: Quốc lộc 1A và quốc lộ 14, một số tuyến đường trọng điểm, bên cạnh đó dành một phần trái phiếu chính phủ cho vốn đối ứng giải ngân các dự án ODA… Hy vọng đây là những đầu tư mồi của Nhà nước, có tác động thu hút đầu tư toàn xã hội và môi trường đầu tư dần tốt lên.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần có đột phá thực chất hơn về cải cách thể chế và cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính. Đây là một trong những trọng tâm đột phá chiến lược hiện nay, bởi thực hiện việc này không đòi hỏi lớn nguồn vốn về vật chất, mà cốt yếu là con người để tạo dựng các thể chế, khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, từ đây sẽ có sự tác động lan tỏa ra các đột phá khác, qua đó tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh giải quyết nợ xấu. Như tôi đã nói, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế cho VAMC, tăng cường năng lực cho Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, phải thống nhất quan điểm về tiêu chuẩn vay vốn tín dụng, không nên hạ thấp điều kiện cho vay, như vậy dễ tạo ra nợ xấu mới, nhưng cũng cần tính toán thế nào để tạo cơ chế giúp DN tiếp cận vốn, tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Có thể nghiên cứu cả phương án, DN thế chấp vay vốn bằng dự án kinh doanh có tính khả thi hoặc bằng tài sản khác là phương tiện sản xuất kinh doanh.
Khai thác và xuất khẩu dầu khí luôn là điểm sáng của nền kinh tế.
* TBTCVN: Ông có dự báo gì về kinh tế thế giới năm 2014 và sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam trong năm Giáp Ngọ này?
- Ông Vương Đình Huệ: Dự báo năm 2014 kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,5 - 3,6% cao hơn so với năm 2013 là 2,9%. Chúng ta có thể nhìn nhận vào 4 điểm chính sau: Các nền kinh tế hàng đầu vẫn tiếp tục có tăng trưởng khá cao như Trung Quốc, Mỹ. Bên cạnh đó, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozon) bắt đầu khắc phục khó khăn nợ công, tiếp tục tăng trưởng xấp xỉ 1% (trước đó khu vực này có thời kỳ tăng trưởng âm). Ngoài ra, các nước châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động. Các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự báo cũng được đẩy mạnh tăng trưởng hơn, nhất là Mỹ, Nhật Bản sẽ tập trung vào thị trường Đông Nam Á… Từ những dự báo đó, tôi tin rằng, kinh tế thế giới sẽ tác động khá tích cực đối với Việt Nam trong năm 2014.
Ngoài ra, Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn. Đơn cử chỉ trong 2 năm 2012 - 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng trưởng khá ngoạn mục. Cuối tháng 12/2011, kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta mới đạt mức 200 tỷ USD, nhưng năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gần 270 tỷ USD. Do đó, kinh tế thế giới hồi phục thì kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi. Cùng với đó, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, cán cân thanh toán thương mại cân bằng, các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang đi vào cuộc sống, niềm tin doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, các lĩnh vực về hội nhập, đặc biệt việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tăng tốc hình thành kinh tế cộng đồng ASEAN vào 2015… mong chờ sẽ là những kỳ vọng đột phá của kinh tế Việt Nam trong năm 2014. q
* TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn ông!