Bà Phạm Chi Lan nói: Tôi nghĩ những khó khăn của năm 2013 cũng tương tự như những năm trước. Chính phủ đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu số một là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho DN. Những giải pháp đưa ra đã rõ ràng và rất trúng. Nhưng khi thực hiện thì không được đầy đủ, nên khó khăn của DN gần như vẫn còn nguyên đấy. Số DN phải ngừng hoạt động 11 tháng của năm 2013 đã lên tới 50 nghìn DN, lớn hơn cả năm 2012. Điều đáng nói là những DN “chết” của năm nay là những DN không phải quá yếu mà ở mức trung bình. Đây là điều rất đáng báo động.
Muốn tăng thu ngân sách phải thúc đẩy sản xuất
* Là người theo dõi rất sát về tình hình kinh tế của đất nước, tiếp xúc nhiều với các DN thông qua các hội nghị, hội thảo, bà thấy khó khăn nhất của các DN trong năm qua là gì?
- Những khó khăn của DN trong năm 2013 vẫn trên mấy mảng: Thị trường, chi phí đầu vào và vốn. Về thị trường, trong năm qua các DN vẫn bế tắc trong việc giải quyết đầu ra. Sức mua trong nước giảm quá thấp, trở thành vấn đề rất lớn là DN có sản xuất cũng không tiêu thụ được.
Thứ hai là chi phí đầu vào vẫn quá cao và tiếp tục tăng. Việc tăng giá điện, tăng giá xăng dầu, rồi đủ các thứ phí mới. Do đó, chủ trương giãn thuế, giảm thuế cho DN của Chính phủ cũng chưa đủ bù lại được so với chi phí tăng thêm.
Thứ ba là về vốn. Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, nhưng các DN cho biết họ rất khó tiếp cận vốn vay. Chi phí thực tế để vay vẫn cao hơn công bố. Do đó, những khó khăn về tín dụng vẫn còn đấy. Những điều này làm cho các DN rất lo lắng, tinh thần kinh doanh giảm sút và nặng nề. Họ không còn hào hứng, không muốn làm nữa.
* Theo bà, năm 2014 chúng ta phải có những giải pháp như thế nào để giải quyết những khó khăn mang tính cố hữu như bà vừa nói?
- Tôi nghĩ trước hết Chính phủ phải chỉ đạo làm sao để tập trung thực hiện cho được những giải pháp rất cơ bản đã nêu ra trong Nghị định 90/2001/NĐ-CP về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nghị định này nêu ra tới mười biện pháp để hỗ trợ cho DNNVV, nhưng trên thực tế các biện pháp đó thực hiện được rất ít, việc thực hiện cũng chỉ khơi khơi chứ chưa lan tỏa sâu rộng tới đông đảo DN.
Gần đây có cho ra đời quỹ hỗ trợ DNNVV, dù số tiền quỹ chưa lớn, nhưng về tinh thần là rất quan trọng. Chúng ta phải làm cho quỹ đó thực sự có hiệu quả, tránh những tệ hại lâu nay là cứ vốn của Nhà nước lại có chuyện chạy chọt, xin cho này khác mới được hưởng. Nơi đáng được hưởng thì không được, nơi không đáng được hưởng thì lại nhận được... Chúng ta phải làm sao thật minh bạch, thật nghiêm túc để đảm bảo uy tín của Nhà nước đối với DN và tạo được niềm tin thực sự đối với DN.
Một điều nữa, muốn cho thu ngân sách tăng trưởng thì phải phục hồi sản xuất kinh doanh. Muốn vậy phải tập trung vào những giải pháp để phục hồi DN, nhất là các khu vực sản xuất: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ chứ không phải chỉ có bất động sản hay ngân hàng. Chính phủ phải tập trung vào đó để tháo gỡ. DN có sống được thì Nhà nước mới thu được thuế, mới tạo được công ăn việc làm cho người dân, chứ nếu DN chết thì hàng triệu lao động mất việc làm, mất việc làm thì chẳng có tiền để chi tiêu.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
* Đó là về phía cơ quan quản lý Nhà nước, còn bản thân các DN họ cần phải làm gì để vượt qua khó khăn như hiện nay?
- Tôi đi gặp gỡ, nói chuyện nhiều với DN ở các nơi, tôi nhận được rất nhiều lời than vãn. Tôi chỉ có thể động viên họ là hãy bình tĩnh lại, lấy lại tinh thần kinh doanh. Nếu rút lui thì không nói làm gì, nhưng nếu tiếp tục kinh doanh thì phải trấn tĩnh lại, tìm cách phát triển. Đó là chưa kể các DN phải nghĩ xa hơn nữa. Chỉ 2 năm nữa thôi, đến cuối năm 2015 thì tất cả những cam kết hội nhập mới với ASEAN sẽ được thực hiện, hàng hóa từ các nước này sẽ ồ ạt vào Việt Nam, và như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh vô cùng mạnh. Nếu các DN không chuẩn bị từ bây giờ thì rất khó để chống chọi trong thời gian tới.
Sang năm 2014, các DN cũng nên lưu ý nhiều hơn đến những nhân tố về công nghệ, về chất lượng lao động để nâng năng suất lên. Đó cũng là một trong những mặt tất yếu của DN nói chung và các DNNVV nói riêng. Vì thực tế là năng suất hiện nay quá thấp, như thế rất khó cạnh tranh.
* Thời gian gần đây nhiều chuyên gia kinh tế và các chính khách hay nói đến niềm tin, niềm tin của các DN, niềm tin của cơ quan hoạch định chính sách… Theo bà thì chúng ta phải xây dựng niềm tin ấy như thế nào?
- Đúng là thời gian gần đây nhiều người nói đến câu này, kể cả các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài. Tôi cho rằng, xây dựng niềm tin trước tiên là những cam kết vĩ mô. Những chính sách, chương trình tái cơ cấu đã được đề ra, nhưng thực hiện được bao nhiêu. Chúng ta phải tập trung khắc phục cho được những yếu kém nội tại cơ bản ấy.
Thứ hai là xây dựng niềm tin về môi trường kinh doanh một cách bình đẳng. Đây là điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho các DN trong năm tới. Trong chính sách, chúng ta nói nhiều đến sự bình đẳng. Bình đẳng giữa DNNN với DNNVV, nhưng trên thực tế thì chưa thật sự bình đẳng. Chúng ta vẫn ưu tiên nhiều cho DNNN, dồn hết nguồn lực vào đó. Với DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng vậy. Chúng ta ưu tiên quá nhiều cho các DN này, trong khi đó những đóng góp của họ thì không tương xứng.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!